|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CEO Bank of America dự đoán lộ trình hạ lãi suất của Fed vào năm 2025

10:47 | 23/10/2024
Chia sẻ
CEO Bank of America nhắc Fed nên cẩn thận để không phạm phải sai lầm tương tự nư vào năm 2022.

 

Ông Brian Moynihan, CEO Bank of America. (Ảnh: Getty Images).

Mới đây, CEO Brian Moynihan của Bank of America đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên cân nhắc đến quy mô cắt giảm lãi suất.

Hôm 23/10, chia sẻ với Bloomberg trong chuyến công tác đến Australia, ông Moynihan cho biết Fed đã “chậm chân” khi nâng lãi suất vào năm 2022 và giờ họ phải đảm bảo không mắc sai lầm với việc giảm chi phí đi vay.

Tại buổi công bố kết quả kinh doanh quý III vào tuần trước, ông Moynihan - một trong những lãnh đạo ngân hàng kỳ cựu nhất trên Phố Wall - cho biết Bank of America dự kiến nền kinh tế số một thế giới sẽ “không hạ cánh”.

Không hạ cánh là tình huống nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng lạm phát vẫn còn cao và có nguy cơ bùng phát trở lại, buộc ngân hàng trung ương phải duy trì lập trường “diều hâu”.

“Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4% và tăng trưởng tiền lương đạt 5%, thật khó để bất kỳ nhà kinh tế nào thuyết phục thế giới rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái”, vị CEO nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.

Tại cuộc họp tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhất trí hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps). Đây là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Ông dự kiến Fed sẽ giảm thêm 50 bps trong năm 2024 và sau đó là 4 lần khác trải đều trong năm 2025 - mỗi lần 25 bps. Cuối cùng, lãi suất sẽ tụt xuống còn 3,25%. Ông ước tính lạm phát sẽ giảm dần xuống còn 2,3% vào năm 2026.

Rủi ro là “các đợt cắt giảm lãi suất diễn ra quá nhanh hoặc quá chậm và rủi ro đó hiện cao hơn so với 6 tháng trước”, CEO ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ theo tổng tài sản cảnh báo.

 

 

 

Bank of America cho biết người tiêu dùng Mỹ vẫn đang rút tiền tiết kiệm từ thời đại dịch để chi tiêu, mặc dù một số hộ gia đình gần đây có vẻ đã trở nên ý thức hơn về ngân sách.

Các nhà đầu tư đang theo dõi hành vi chi tiêu của người tiêu dùng để dự đoán Fed sẽ quyết định thay đổi lãi suất như thế nào.

Gần đây, các nhà đầu tư đã bớt kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất nhanh chóng. Một số quan chức cũng phát tín hiệu muốn giảm tốc độ hạ lãi suất trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Đơn cử, trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ tháng 8, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City Jeffrey Schmid cho biết ông mong muốn một chu kỳ chính sách “bình thường hơn”.

Trong đó, Fed sẽ thực hiện các điều chỉnh “khiêm tốn” để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và thúc đẩy thị trường việc làm.

Ông Schmid nói: “Mặc dù ủng hộ nới lỏng chính sách, tôi muốn tránh những động thái quá mạnh tay, đặc biệt là khi chúng tôi chưa biết chắc đích đến cuối cùng của chính sách tiền tệ và tôi cũng muốn hạn chế biến động trên thị trường tài chính”.

Hai quan chức Fed khác cũng phát tín hiệu họ sẽ không ủng hộ một đợt giảm lãi suất mạnh tay. Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas là bà Lorie Logan khuyến nghị các quan chức nên thận trọng trong bối cảnh bất ổn kinh tế ở mức cao.

“Nếu nền kinh tế phát triển như những gì tôi đang hình dung, các đợt hạ lãi suất từ từ có thể hạn chế rủi ro và giúp chúng tôi hoàn thành những mục tiêu đề ra”, bà Lorie chia sẻ.

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho biết ông cũng ủng hộ việc giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn trong những quý tới.

“Hiện tại, tôi kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất khiêm tốn hơn trong vài quý tới để đưa lãi suất về mức trung lập, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào dữ liệu”, ông phát biểu tại một sự kiện ở Wisconsin.

Nếu Fed nới lỏng chính sách một cách chậm rãi, lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Đối với Bank of America cùng nhiều ngân hàng khác, đây là một lợi thế.

Ông Moynihan chia sẻ lãi suất vào cuối chu kỳ giảm lãi suất sẽ vào khoảng 3% và đây là “một môi trường lãi suất hoàn toàn khác... so với khoảng 15 năm trở lại đây”.

 

Khả Nhân