Bộ Tài chính Mỹ: Không đủ điều kiện kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ
Hôm 16/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988, Mỹ không có đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam, Thụy Sĩ hoặc Đài Loan đang thao túng tỷ giá hối đoái.
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm, các nền kinh tế trên có thể đáp ứng các tiêu chí theo Đạo luật Thuận lợi hóa và Thực thi Thương mại năm 2015 nhưng không có hành vi thao túng tiền tệ.
Tháng 12 năm ngoái, theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 và Đạo luật Thuận lợi hóa và Thực thi Thương mại năm 2015, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sỹ đang thao túng tiền tệ, bên cạnh 10 nền kinh tế thuộc diện theo dõi khác.
Theo báo cáo này, Việt Nam thỏa mãn đủ ba tiêu chí về thao túng tiền tệ gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ đối với Việt Nam.
Trong thông cáo mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ tiếp tục làm việc cùng Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan để ba nền kinh tế này có thể xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc định giá đồng nội tệ thấp và cũng như xử lý các yếu tố mất cân bằng bên ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cường trao đổi cùng Việt Nam và Thụy Sĩ, cũng như đánh giá kỹ lưỡng các diễn biến kinh tế thế giới dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để xác định liệu có nước nào can thiệp vào thị trường tiền tệ năm 2020 để giành lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng hay không.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết không có đối tác thương mại lớn nào khác của Mỹ đáp ứng các tiêu chí trong hai đạo luật về thao túng tiền tệ hoặc cần phải điều tra sâu hơn trong quá trình đánh giá vừa qua.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn thúc giục Trung Quốc cải thiện tính minh bạch trong các hoạt động giao dịch ngoại hối, mục tiêu chính sách của hệ thống quản lý tỷ giá hối đoái, mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương và hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng nhà nước, cũng như hoạt động của nước này trên thị trường dân dân tệ ở nước ngoài.