Bộ Tài chính Mỹ đàm phán với các hãng hàng không lớn về gói cứu trợ
Các nguồn thạo tin mới đây cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã trao đổi qua điện thoại với một số giám đốc điều hành các hãng hàng không vận chuyển hành khách lớn của Mỹ hôm 10/4 rằng họ sẽ phải trả lại 30% khoản cứu trợ bằng tiền mặt tổng cộng 25 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã phê duyệt trong tháng Ba vừa qua để trang trải chi phí tiền lương cho các nhân viên hàng không.
Đối với khoản vay 30% này, các hãng hàng không sẽ phải phát hành các chứng quyền cho phép Chính phủ quyền mua cổ phần với mức giá và thời gian định trước với giá trị tương đương 10% khoản vay.
Điều đó có nghĩa là cứ 1 tỷ USD viện trợ của Chính phủ Mỹ sẽ bao gồm 700 triệu USD tài trợ không hoàn lại, 300 triệu USD cho vay lãi suất thấp và quyền cho chính phủ được mua lượng cổ phần trị giá 30 triệu USD.
Hai nguồn tin cho biết các chứng quyền sẽ được định giá theo giá cổ phiếu hiện tại. Song bất kỳ điều khoản nào vẫn có thể thay đổi trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho biết chứng quyền không tạo ra bất kỳ khoản nợ nào trong bảng cân đối kế toán và do đó không gây cản trở cho khả năng tài chính trong tương lai của các hãng hàng không để họ có thể nộp đơn xin một gói vay chính phủ khác trị giá 25 tỷ USD.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang làm việc với 12 hãng hàng không dân dụng dự kiến sẽ được nhận hơn 100 triệu USD, nhằm xác định các công cụ tài chính phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế.
Tính tới hiện tại, Bộ Tài chính đã nhận được hơn 230 đơn xin cứu trợ từ các hãng hàng không vận chuyển hành khách. Phần lớn các yêu cầu chỉ xin hỗ trợ dưới 10 triệu USD.
Bộ Tài chính Mỹ không yêu cầu khoản bồi thường nào từ những công ty này để đảm bảo họ sẽ duy trì những dịch vụ hàng không cần thiết, tránh sa thải, hạn chế mua lại cổ phần và giảm tiền thưởng cho giới lãnh đạo điều hành.
Các hãng hàng không sẽ xem xét những đề xuất trên vào cuối tuần này. Hiện chưa rõ liệu họ có chấp nhận các điều khoản hoặc sẽ đưa ra một đề xuất khác.
Theo các điều khoản được quy định trong gói cứu trợ, các công ty nhận được tiền sẽ không thể sa thải nhân viên trước ngày 30/9 tới hoặc thay đổi thỏa thuận thương lượng tập thể - hai điều kiện mà các công đoàn đã mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi.
Ngoài ra, cũng có những hạn chế đối với việc mua lại cổ phiếu, chi trả cổ tức và lương thưởng cho cấp quản lý điều hành của các hãng hàng không.
Tại Mỹ, các nghị sỹ đảng Dân chủ mới đây đã hối thúc Bộ Tài chính nhanh chóng triển khai hỗ trợ 32 tỷ USD cho các hãng hàng không và các nhà thầu sân bay mà không đặt ra các yêu cầu "quá mức."
Kế hoạch hỗ trợ trên sẽ cung cấp khoản viện trợ 25 tỷ USD để giúp các hãng hàng không vận chuyển hành khách chi trả lương cho người lao động, 4 tỷ USD cho các hãng vận chuyển hàng hóa bằng đường không và 3 tỷ USD cho các nhà thầu trong ngành như các hãng phân phối hàng hóa hay dịch vụ vệ sinh.
Song các nghiệp đoàn trong ngành hàng không Mỹ đã tỏ ý quan ngại về những yêu cầu “quá cao” từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để được hỗ trợ.
Một số quan chức khác của Mỹ cũng tỏ ý quan ngại về việc nếu Bộ Tài chính Mỹ đưa ra các yêu cầu “quá mức” thì các hãng hàng không có thể chọn giải pháp nộp đơn xin phá sản.