Bộ Tài chính: Chưa phù hợp để tăng thuế xuất khẩu gỗ dán
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng giai đoạn hiện nay chưa phù hợp để xem xét tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Trước kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhóm hàng 44.08, mô tả hàng hóa: “Tấm gỗ để làm lớp mặt (kể cả những tấm thu được bằng cách lạng gỗ ghép), để làm gỗ dán hoặc để làm gỗ ghép tương tự khác và gỗ khác, đã được xẻ dọc, lạng hoặc bóc tách, đã hoặc chưa bào, chà nhám, ghép hoặc nối đầu, có độ dày không quá 6 mm” có khung thuế suất thuế xuất khẩu là 5-25%.
Theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, nhóm 44.08 có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 10%.
Cùng với đó, mặt hàng gỗ dán hiện nay là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ như đồ nội thất nhưng cũng là sản phẩm có nguyên liệu đầu vào từ dăm gỗ (là sản phẩm của nông dân).
Theo quy định hiện hành, mục tiêu và nguyên tắc đánh thuế xuất khẩu là để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo, hạn chế xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên thô chưa qua chế biến.
Tuy nhiên, sản phẩm gỗ dán không phải sản phẩm có nguồn gốc tài nguyên không tái tạo, đồng thời đây là sản phẩm đầu ra của ngành sản xuất gỗ dán trong nước, giúp nông dân trồng rừng tiêu thụ dăm gỗ, tạo công ăn việc làm cho người lao động qua việc sản xuất gỗ dăm, gỗ vụn.
Do đó, mức chênh lệch giữa thuế xuất khẩu dăm gỗ (2%) với thuế xuất khẩu gỗ dán (10%) là mức hợp lý.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn.
Trước đó, theo kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặt hàng gỗ dán không chỉ được sử dụng để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mà còn làm vật liệu trong ngành xây dựng, ván sàn.
Trung bình mỗi năm, thế giới bỏ ra khoảng 16-17 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3.
Việt Nam có khoảng trên 340 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán trong năm 2020.
Năm 2020, có khoảng 20 nhà máy với quy mô lớn - nhỏ đã đi vào sản xuất gỗ dán hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại các tỉnh như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình...
Năm 2015, xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724 nghìn m3 (chiếm khoảng 1% thị phần xuất khẩu gỗ dán trên thế giới), đến năm 2020, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này lên tới 2,09 triệu m3, đạt 659,74 triệu USD (chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đúng vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này).
Hiện nay, có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, chiếm trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam trong năm 2020.