|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp gỗ đứng trước nhiều áp lực khi làn sóng dịch kéo dài

11:00 | 09/08/2021
Chia sẻ
Khó khăn khi triển khai mô hình "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, chậm trễ tiến độ giao hàng vì thiếu nhân lực và giảm công suất, khả năng chống chịu với dịch bệnh ngày càng giảm sút là những khó khăn mà doanh nghiệp gỗ đang phải đối diện.

Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, mất cơ hội tiếp cận thị trường, áp lực đơn hàng tăng cao

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết: "Xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng nổi bật những tháng đầu năm với tốc độ tăng 60% so với cùng kỳ và hiện nay đa số các doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng để sản xuất cho đến quý I, quý II năm 2022". 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang ngày càng trở nên căng thẳng tại các tỉnh phía Nam khiến hơn một nửa số nhà máy sản xuất phải tạm thời đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất. 

Theo ông Phương, kết quả khảo sát nhanh mới đây về tình hình hoạt động của 171 doanh nghiệp sản xuất ngành gỗ và mỹ nghệ tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn dịch COVID-19 cho thấy 88 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, chiếm 51%.

Tổng số doanh nghiệp còn duy trì hoạt động là 83 đơn vị, chiếm 49% với tổng số lao động chỉ còn hơn 26.000 người, giảm 50% so với lao động trước dịch. Đối với mảng bán lẻ tại thị trường nội địa (chiếm 25%), gần 100% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu sụt giảm 90%.

Thực tế, khi làn sóng dịch bùng phát tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động theo mô hình "3 tại chỗ" trong thời gian quá ngắn.

Với những doanh nghiệp đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thì việc thực hiện cũng không dễ dàng vì điều kiện nhà xưởng, ký túc xá khó đáp ứng và số lượng người lao động quá lớn.

Chia sẻ tình hình cụ thể tại doanh nghiệp, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công Ty Thương Mại Cổ Phần Phát Triển Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (SADACO) cho biết: "Trong tình hình dịch bệnh hiện nay để tiếp tục sản xuất doanh nghiệp phải thực hiện theo mô hình "3 tại chỗ".

Tuy nhiên, biện pháp này không thể kéo dài đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành gỗ vì khá tốn kém và nhiều khó khăn như việc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, cung ứng đồ ăn, thức uống, hàng thiết yếu cho công nhân là cả một vấn đề đối với doanh nghiệp.

Thêm vào đó là nỗi lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy và kế hoạch đáp ứng đơn hàng phải hoàn thành. Đây là áp lực lớn và không thể kéo dài".

Theo Tổng Giám đốc SADACO nếu tình hình kéo dài doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chịu. Nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái "ngủ đông", ngừng hoạt động và chỉ một thời gian ngắn sẽ dẫn đến hậu quả giải thể, phá sản.

"Khi "vết dầu loang rộng" thì dù Nhà nước có bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng thì cũng không thể cứu vãn", ông Mạnh chia sẻ.

Phân tích cụ thể, ông Mạnh cho rằng việc doanh nghiệp hoạt động chậm lại để chống đỡ dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều vấn đề nguy hại, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vì việc đáp ứng các đơn hàng là liên tục, doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các quy định khắt khe thì phải đảm bảo được tiến độ mắc xích của mình.

"Có thể một số đối tác sẽ thông cảm nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định và điều sống còn là khả năng luân chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, áp lực trong quản trị doanh nghiệp, tiến độ sản xuất là rất ngặt nghèo trong bối cảnh hiện nay", ông Mạnh cho hay

Đại diện Hawa cũng cho hay thực tế các đối tác vẫn có một giới hạn nhất định để doanh nghiệp giao hàng hoặc triển khai kế hoạch dự phòng. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách từ 3-6 tháng khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm đối với các doanh nghiệp.

"Chậm trễ khoảng một, hai tháng thì vẫn còn thương lượng được với đối tác nhưng từ tháng thứ ba đến tháng thứ 6 thì đó là dấu hỏi lớn. Và rõ ràng với tình hình hiện nay thì việc trì hoãn kéo dài là có thể xảy ra", ông Phương nhận định.

Xuất khẩu tăng trưởng vượt bật, doanh nghiệp gỗ có sống tốt giữa đại dịch? - Ảnh 2.

Tính từ đầu năm đến 15/7 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: báo Thanh Niên)

Nhận định thêm về tình hình tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tại các quốc giá, đại diện SADACO cho rằng trong các thị trường chính của ngành gỗ, mức tăng trưởng vượt bật của thị trường Mỹ những tháng đầu năm là cơ hội "vàng" của các doanh nghiệp.

"Nguyên nhân thị trường này đang ngày càng mở rộng, các quy định thắt chặt như chống bán phá giá, phá giá tiền tệ cũng được nới lỏng hơn. Quan trọng nhất là sức tiêu thụ của thị trường này đang tăng lên đáng kể, nhưng đáng tiếc là tình hình dịch bệnh hiện nay đang ảnh hưởng lớn khả năng tiếp cận cơ hội của doanh nghiệp", ông Mạnh chia sẻ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong nửa đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 5 tỷ USD, chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với mức tăng 92,3% so với cùng kỳ năm 2021.

"Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay là vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu của đơn hàng.

Mặc dù là ngành hàng vẫn có thể sản xuất nhưng đây là thời gian cao điểm của những đơn hàng Âu, Mỹ nên trong bối cảnh phải giảm công suất hoặc dừng sản xuất thì đây là giai đoạn rất khó khăn của doanh nghiệp", đại diện Hawa chia sẻ.

Xuất khẩu tăng trưởng vượt bật, doanh nghiệp gỗ có sống tốt giữa đại dịch? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tỏng hợp: Như Huỳnh.

Vắc xin là giải pháp cấp bách

Bên cạnh các khó khăn về quy mô sản xuất, tiến độ giao hàng, doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nguy cơ đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” bất cứ lúc nào nếu các nhà máy xuất hiện các ca F0.

Số liệu của Hawa cho thấy đã có 23/170 doanh nghiêp được khảo sát xuất hiện ca F0. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng đã quá tải khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Do đó, Hawa đã gửi Bộ NN&PTNT danh sách các nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" thuộc Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Tây Ninh để được đưa vào diện ưu tiên tiêm vắc xin tại các địa phương này. Vì theo ông Phương, vắc xin là giải pháp duy trì được sự yên tâm của người lao động, từ đó, doanh nghiệp mới có thể thực hiện tiếp mô hình "3 tại chỗ" trong bối cảnh chưa có mô hình khác thay thế.

Đáng chú ý, Hawa vừa cùng ba Hiệp hội gồm Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị tới Thủ tướng mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người lao động.

Bởi bởi bốn hiệp hội này đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner - UAE. Tuy nhiên, đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ nhập khẩu.

Do đó, đại diện các hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với Tập đoàn Royal Stratergic Partners UAE của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Chánh Phương: "Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu mô hình phục hồi sau đợt dịch như một số địa phương tổ chức chích ngừa, doanh nghiệp có thể tự test sàng lọc với sự giám sát của địa phương để kêu gọi lực lượng lao động trở về nhà máy".

Như Huỳnh