|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bổ sung phương pháp dựng sổ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 2018

11:38 | 22/11/2017
Chia sẻ
Về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP bổ sung thêm phương thức mới là phương thức dựng sổ (Booking building).
 
chinh thuc bo sung phuong phap dung so khi co phan hoa doanh nghiep nha nuoc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thay thế cho Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, Nghị định 126 chính thức bổ sung thêm phương thức mới là phương thức dựng sổ (Booking building). Ngoài ra, Nghị định 126 cũng quy định mới về đối tượng và điều kiện mua cổ phần. Theo đó, nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện như có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Nghị định quy định rõ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo quy định, việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc, ký quỹ bằng tiền hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án cổ phần hóa đã phê duyệt.

Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp); các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh); các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con; tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá; Người có liên quan theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014.

Được biết, lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, đã có 38 doanh nghiệp được cấp phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 81.050 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.917 tỷ đồng.

Minh Anh