|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ KH&ĐT: Cho thuê biển và hải đảo 99 năm chỉ là đề xuất của địa phương

15:19 | 28/10/2017
Chia sẻ
Trả lời câu hỏi của Dân Trí về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề xuất cho phép thuê biển, đảo thời hạn tối đa 99 năm khi xây dựng đặc khu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) nói: Đây chỉ là đề xuất của địa phương, trong Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt, cơ quan soạn thảo chỉ cho phép thuê đất 99 năm với những lĩnh vực đặc thù.

"Với đề án cho thuê biển, đảo 99 năm, đây chỉ là đề xuất của địa phương. Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà Bộ KH&ĐT xây dựng, quy định: nhà đầu tư được cho thuê đất, diện tích mặt biển tối đa 99 năm cho với các nhà đầu tư ưu tiên", Vụ trưởng Đông nói.

bo khdt cho thue bien va hai dao 99 nam chi la de xuat cua dia phuong

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT: Các dự án ưu tiên là nghiên cứu phát triển, công nghệ cao, các dự án ngành nghề ưu tiên có quy mô vốn lớn... Để đảm bảo các dự án này có ý nghĩa, khi có đề xuất, địa phương phải báo cáo trực tiếp cho Chính phủ, quyền thông qua thuộc về Chính phủ chứ không phải là đặc quyền của trưởng đặc khu.

Ông Đông nói thêm: Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu hai bộ là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập đề án riêng về an ninh quốc phòng để báo cáo cùng với Luật về Đặc khu nói trên. Trong quá trình thực hiện, chính quyền đặc khu phải phối hợp với hai bộ trên để xác định những vị trí thuộc về an toàn, lãnh thổ quốc gia không cho nhà đầu tư nước ngoài thuê mua hoặc thậm chí không được phép mua nhà cửa.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: Về thủ tục, ba địa phương đưa ra đề án lập đặc khu, Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo, Chính phủ xem xét và có tờ trình gửi Quốc hội. Quốc hội sẽ xem xét cả 3 đề án, tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật của Bộ KH&ĐT nhằm xét tính khách quan rồi quyết định.

Nhấn mạnh về cơ chế đối với các đặc khu, ông Phúc cho rằng: Chúng ta đã đi sau và bỏ lỡ nhiều cơ hội đi qua. Trung Quốc mở cửa và đến năm 1980 họ đã thành lập các đặc khu và hiện nay Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông là những đặc khu có tốc độ phát triển nhanh nhất của đất nước này. Còn Việt Nam, năm 2003, chúng ta ý định xây dựng các đặc khu ở Chu Lai (Quảng Nam), sau đó Móng Cai - Vân Đồn (Quảng Ninh) nhưng đều không quyết làm.

Hiện nay, Hiến pháp đã cho phép, Nghị quyết Đại hội Đảng và cả quyết tâm của Bộ Chính trị rồi, chúng ta phải làm. Nếu chần chừ, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau, thậm chí không có động lực phát triển.

"Quan trọng là cần có luật riêng cho đặc khu để vượt trội, khác với phần còn lại cả về mô hình, cơ chế đột phá. Nếu làm được thì đây sẽ là phòng thí nghiệm về thể chế", ông Phúc cho hay.

Trả lời câu hỏi xung quanh vai trò của trưởng đặc khu với nhiều quyền hạn, nhưng để đảm bảo đúng năng lực thì cần thông qua thi cử, chứ không phải diện"cử tuyển" của các địa phương.

Ông Đông và ông Phúc đều cho rằng: "Chức danh của Trưởng đặc khu do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm và phế truất. Cơ chế tiến cử họ cũng mở ra cho địa phương đề xuất vì Đơn vị hành chính là nằm ở địa phương, nhưng cái khác là do Trung ương quyết định".

Ông Phúc nói: "Nhiều người còn đặt vấn đề là trưởng đặc khu cần được đi thuê như CEO, có cả người nước ngoài hoặc đó là những chuyên gia đầu ngành. Nhưng Hiến pháp quy định, người đứng đầu chính quyền phải là công chức. Tuy nhiên, chúng ta không sợ, bởi chuyên gia đầu ngành, chuyên gia nước ngoài sẽ được tuyển dụng ở Uỷ ban hỗ trợ và giám sát nhằm kiến giải các quyết sách cho trưởng đặc khu".

Trên thực tế, cơ chế thuế cho các đặc khu vẫn cần được xem xét, đánh giá tổng thể trong diễn biến mới của toàn cầu hóa. Thế giới đang có các FTA thế hệ mới, họ thiết lập hàng loạt các chính sách miễn thuế xuyên quốc gia, xuyên lục địa thì vấn đề giảm thuế tại đặc khu sắp tới sẽ có vai trò và tác dụng gì để thu hút các “cánh chim đại bàng xây tổ”.

Khi thế giới đã nhiều đặc khu thất bại và có cả thành công, xây dựng đặc khu không chỉ là ưu đãi về thuế mà phải vượt lên về chính sách, cơ chế nhưng không được vượt Hiến pháp. Một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam là nguồn ngân sách ngày càng khó khăn trong các hình thức đầu tư theo cơ chế Hợp tác công tư (PPP) có xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) - đổi đất lấy hạ tầng đang có nhiều tiêu cực, hạn chế tác động trực tiếp đến nơi đặt dự án, đối tượng thụ hưởng.

Nguyễn Tuyền