Bộ Công Thương: Áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP cần cân đối lợi ích nông dân và doanh nghiệp
Phân bón DAP, MAP nhập khẩu bị áp thuế hơn 1,1 triệu đồng/tấn trong năm đầu | |
Cốt lõi câu chuyện áp thuế tự vệ phân DAP, nằm ở đâu? |
Trước nỗi lo quy định áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón (DAP và MAP) nhập khẩu vào Việt Nam có thể làm tăng chi phí sản xuất trong khi giá lúa lại giảm, gây tổn hại cho nông dân, cử tri thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng quyết định này.
Bộ Công Thương cho biết hiện nay Bộ đã hoàn tất Kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc và đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi đưa ra quyết định. Việc có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không và ở mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào số liệu khách quan do tất cả các bên cung cấp.
Quá trình điều tra là khách quan, độc lập và hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật về tự vệ của Việt Nam cũng như những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Trước khi ban hành quyết định cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề này, cân nhắc tất cả các tác động kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động đến người nông dân và ngành trồng trọt của Việt Nam để đảm bảo đem lại lợi ích tổng thể cho toàn bộ nền kinh tế, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi người nông dân không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Bộ Công Thương: Áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP cần cân đối lợi ích nông dân và doanh nghiệp |
Trước đó, ngày 31/3/2017, Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng phân bón DAP và MAP của một số doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất phân bón tại Việt Nam.
Ngày 12/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Theo Quyết định này, thời hạn điều tra không quá 6 tháng (tối đa đến ngày 12 tháng 11 năm 2017).
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ, thu thập số liệu từ Tổng cục Hải quan, gửi các câu hỏi điều tra đến tất cả các bên liên quan, thu thập số liệu nhập khẩu, tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Kết quả điều tra cho thấy trong giai đoạn 2013-2017, lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã gia tăng cả về mặt tương đối và tuyệt đối so với sản xuất trong nước, trong đó khoảng 84% nhập khẩu từ Trung Quốc; 5,4% từ Hàn Quốc và 2,6% từ Nga. Nhập khẩu phân bón năm 2016 tăng tương đối 191,35% so với năm 2015.
Ngoài ra Bộ phát hiện có hiện tượng ép giá và kìm giá của phân bón DAP và MAP nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước. Cụ thể, năm 2016, giá bán của hàng nhập khẩu giảm 17,11% so với năm 2015, buộc các nhà sản xuất trong nước phải giảm giá theo để có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, tương đương giảm 20,85%.
Bộ Công Thương cho biết thêm ngành sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt hại trên tất cả khía cạnh như sản lượng và doanh số bán hàng giảm đáng kể. Lợi nhuận bị thiệt hại nghiêm trọng, nếu tiếp tục thua lỗ như tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng bị âm vốn chủ sở hữu và phải đóng cửa hoàn toàn. Tồn kho phân bón năm 2016 tăng 18,46% so với năm 2015. Tỷ lệ tồn kho trên lượng sản xuất năm 2016 cũng đạt mức cao nhất là 32,13%
Ngày 4/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Quyết định 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 19/9/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên tham vấn công khai tại trụ sở Cơ quan điều tra để tạo cơ hội cho tất cả bên liên quan trong vụ việc trình bày ý kiến, quan điểm về vụ việc. Ngày 24/10/2017, Bộ Công Thương đã công bố công khai Biên bản tham vấn ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 10/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4236/QĐ-BCT về việc gia hạn thời gian điều tra vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam thêm 2 tháng trước khi ban hành Kết luận cuối cùng. Việc gia hạn này là cần thiết để thu thập thêm các thông tin liên quan đến vụ việc, xem xét kỹ lưỡng ý kiến của các bên liên quan cũng như đánh giá tác động kinh tế xã hội một cách toàn diện, trước khi ban hành Kết luận cuối cùng, phù hợp với quy định về Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ.
Xem thêm |