|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cốt lõi câu chuyện áp thuế tự vệ phân DAP, nằm ở đâu?

14:26 | 30/01/2018
Chia sẻ
Sau khi Bộ Công Thương chính thức áp thuế tự vệ tạm thời mặt hàng phân DAP và MAP nhập khẩu từ 19/8/2017, dư luận trong và ngoài nước có nhiều luồng quan điểm xung quanh chính sách này.
cot loi cau chuyen ap thue tu ve phan dap nam o dau Giá phân DAP tăng mạnh khi Bộ Công thương gia hạn điều tra

Một chính sách gây nhiều tranh cãi

Đứng về phía nông dân thì chính sách này đã gây bất lợi vì khiến giá phân bón nhập khẩu tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn.

Còn xét góc độ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp trong nước, các ý kiến lại khẳng định đây là biện pháp phù hợp vì phân DAP nhập khẩu, đặc biệt là DAP Trung Quốc lũng đoạn thị trường phân DAP trong nước đã qúa lâu, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp trong nước sẽ "chết".

Cuối cùng, về phía quản lí nhà nước, đó là bài toán làm sao hài hòa được lợi ích giữa nông dân và các doanh nghiệp để có môi trường, mặt bằng sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững, và người nông dân vẫn chấp nhận được giá phân DAP nhập khẩu.

Câu chuyện tranh cãi nên hay không nên bảo hộ doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước không chỉ diễn ra với ngành phân bón, mà nó còn diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực vật tư hàng hóa thiết yếu khác như thép, đường, ô tô, muối… Và có một thực tế, những doanh nghiệp nội địa đang làm ăn tốt, phát triển và tăng trưởng ổn định ở ngành thép, ô tô, mía đường đều có dấu ấn rất lớn từ các chính sách bảo hộ của Nhà nước.

Quay trở lại câu chuyện áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP nhập khẩu tại Việt Nam, các cơ quan quản lí nhà nước với vai trò “cầm cân nảy mực” mà cụ thể ở đây là Bộ Công Thương phải đặt lên bàn cân sự được, mất ở thời điểm trước mắt và lâu dài để đưa ra chính sách phù hợp nhất, khi thời hạn áp thuế tự vệ tạm thời để điều tra sắp kết thúc vào tháng 3/2018 tới đây.

Đầu tiên, phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế, việc áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người nông dân, bởi giá phân bón, trong đó đặc biệt là phân NPK sẽ tăng do nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thành sản xuất phải tăng theo. Đó là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, chịu thiệt hại trực tiếp và lớn nhất chính là doanh nghiệp sản xuất phân NPK, bởi DAP là nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất NPK công thức cao nên giá thành sẽ tăng ngay lập tức, trong khi giá phân NPK bán ra cho nông dân không thể tăng tương đương mức tăng của DAP đầu vào, vì phân khúc NPK có sự cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm đa dạng nên chắc chắn doanh nghiệp NPK ít nhất cũng giảm lợi nhuận.

cot loi cau chuyen ap thue tu ve phan dap nam o dau
Áp thuế tự vệ chính thức phân DAP và MAP cần xét đến lợi ích lâu dài?

Vì sao DN DAP nội địa triền miên thua lỗ?

Về phía doanh nghiệp sản xuất DAP và MAP trong nước, sản lượng chủ yếu hiện nay tập trung vào 3 doanh nghiệp là Công ty CP DAP VINACHEM (DAP Đình Vũ, Hải Phòng); Công ty CP DAP số 2 - Lào Cai và Công ty CP Hóa chất Đức Giang (Lào Cai). Có thể nói đây là 3 "ông lớn" nhất về DAP hiện nay.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần 1 triệu tấn phân bón DAP và MAP, trước đây ta nhập khẩu 100%. Nhưng từ khi có chủ trương tự chủ về phân bón của Chính phủ, trong đó có phân DAP, Việt Nam đầu tư xây dựng 2 nhà máy DAP năm 2003 và 2011, công suất 350.000 tấn/nhà máy/năm. Nhờ đó tự chủ 70 - 80% nhu cầu DAP trong nước. Nguồn nguyên liệu chính cung cấp lâu dài cho 2 nhà máy là mỏ quặng apatít Lào Cai.

Nhưng do tính toán điểm rơi không tốt, phần do thiếu may mắn nên giai đoạn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư xây dựng hai nhà máy DAP đúng đỉnh điểm khủng hoảng giá phân bón thế giới, do giá dầu mỏ giảm mạnh khiến giá phân bón giảm sâu suốt thời gian dài.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm Việt Nam gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do và mở cửa thị trường trong nước nên phân DAP nhập khẩu, đặc biệt là DAP giá rẻ tràn vào cạnh tranh khiến hai doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước thua lỗ triền miên do giá bán thấp hơn giá thành.

Nguyên nhân chính khiến giá thành phân DAP cao do nhà máy tại Việt Nam sinh sau đẻ muộn, trong khi các nhà máy DAP của Trung Quốc xây dựng trước hàng chục năm, hiện đã hết khấu hao vốn đầu tư nên giá thành rất cạnh tranh, chưa kể Trung Quốc có chính sách thuế rất linh hoạt nên một khi sản phẩm DAP Trung Quốc hết vụ tràn vào, doanh nghiệp trong nước gần như rất khó chống đỡ.

Tuy nhiên, ngược lại một khi phía Trung Quốc không muốn xuất khẩu 1 cân DAP cũng không sang được Việt Nam. Thực tế trước đây khi chưa có 2 nhà máy DAP, có năm DAP nhập khẩu lũng loạn giá lên tới 24.000 đồng/kg.

Được biết, năm 2018, Bộ Công Thương đặt mục tiêu thoái vốn nhà nước tại hai nhà máy DAP Hải Phòng và DAP Lào Cai. Đặc thù của doanh nghiệp sản xuất phân bón như DAP Hải Phòng và Lào Cai là nằm tại các khu công nghiệp xa dân cư nên gần như không có trụ sở, đất đai có giá trị lớn như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM khác.

Do đó, nhà nước muốn thoái được vốn chỉ còn cách duy nhất là doanh nghiệp phải làm ăn có lãi. Bài học thoái vốn không thành công tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vừa qua cho thấy nếu doanh nghiệp không làm ăn có lãi thì có bán rẻ nhà đầu tư cũng không ham.

Thiết nghĩ, để thu hồi được vốn đầu tư của nhà nước, cũng đồng nghĩa với bảo vệ được tiền thuế của dân, gia tăng giá trị tài nguyên quốc gia, song không tước đi quá nhiều quyền lợi của người nông dân, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt Bộ Công Thương nên tạo điều kiện để hai doanh nghiệp DAP hoạt động có lãi ổn định để thoái vốn thu hồi tiền nhà nước về.

Sau khi nhà nước thoái vốn xong nên có lộ trình điều chỉnh và tiến tới xóa bỏ các hàng rào thuế quan tự vệ để có môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng hơn.

Xét cho cùng, cốt lõi của việc áp thuế tự vệ phân DAP và MAP cũng là hướng đến việc giúp doanh nghiệp DAP trong nước duy trì được hoạt động ổn định, trở thành đối trọng cân bằng với DAP nhập khẩu. Do đó, trước mắt có thể bà con nông dân sẽ chịu thiệt thòi đôi chút vì giá phân bón tăng, song sự ổn định chung lâu dài của mặt hàng phân bón mới thực sự là lợi ích bền vững, to lớn nhất với bà con nông dân.

Đăng Quân