|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Việt Nam có đang hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại như truyền thông quốc tế đưa tin?

14:47 | 31/05/2019
Chia sẻ
Chiến tranh thương mại đang bị gán là nguyên nhân của toàn bộ vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có việc chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế có đúng như vậy?
Bloomberg: Việt Nam có đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại như truyền thông quốc tế đưa tin? - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị đem ra đổ lỗi cho tất cả vấn đề liên quan đến kinh tế và tài chính. Trong đó có vấn đề liên quan đến cuộc chiến thuế quan, và một số vấn đề khác xảy ra từ trước khi Tổng thống Donald Trump chú ý đến Chủ tịch Tập Cận Bình.

Còn trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như chính sách tiền tệ, chiến tranh thương mại làm thay đổi thời gian đưa ra chính sách, thay vì kết quả.

Vấn đề mới nhất chính là khả năng của một cuộc suy thoái, được cho là khiến giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu giảm vào hôm 29/5. Các chuyên gia nhận định đó là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, khả năng suy thoái là cách thị trường thu hút sự chú ý cứ sau vài tháng trong hai năm qua.

Chu kì mở rộng của nền kinh tế Mỹ là gần 10 năm. Dù thuế quan có bị áp hay không, suy thoái cũng sẽ không thể tránh khỏi được.

Nền kinh tế Trung Quốc đã suy thoái trong thời gian dài và trở nên trầm trọng hơn vì cuộc "trấn áp" nợ doanh nghiệp do chính sách trong nước, chứ không phải vì tác động của Nhà Trắng.

Trung Quốc đang chuyển sang mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất hàng hóa giá rẻ. Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào năm 2016, thu nhập của người dân Trung Quốc đang ngang hàng với thời điểm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu chuyển sản xuất ra nước ngoài nhiều thập kỉ trước.

Hội Nghị Kinh tế Bàn tròn Singapore lần thứ 31 trong tuần này có cùng chung quan điểm, rằng mẫu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh đang khuếch đại các hiện tượng hiện có hoặc những thay đổi đang xảy ra.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải là chất xúc tác duy nhất. Cây bút Tim Culpan của Bloomberg Opinion gần đây lập luận rằng, một số doanh nghiệp đang sử dụng thuế quan như một cái cớ mà họ đã tìm kiếm từ lâu để giảm sự hiện diện tại Trung Quốc.

Việt Nam chính là một quốc gia đang được thổi phồng lên vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam tiếp tục nổi lên với tư cách là đối tác thương mại tiếp theo của Mỹ, được cho là hưởng lợi từ cuộc xung đột thuế quan.

Theo Bloomberg, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên, tuy nhiên rất khó để xác định độ sôi động của nền kinh tế Mỹ và chuỗi cung ứng dịch chuyển sang Việt Nam đến đâu.

Bloomberg nghi ngờ về việc nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Bloomberg cũng dẫn một nguồn tin thân cận cho hay các nhà máy Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng ca và bổ sung công suất.

Theo Bloomberg, việc đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam chỉ để phản ứng với thuế quan là một lời hô hào lớn tiếng. Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện động thái này nhưng không sẵn sàng để nói về nó. Bắc Kinh không đáng để bị "thù ghét" đến như thế.

Từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đã tăng từ lâu. Không có xung đột thương mại, chi phí lao động và sản xuất ở Việt Nam vẫn tương đối rẻ.

Chiến tranh thương mại có thể không phải là nguyên nhân cho toàn bộ biến động trên thị trường tài chính và chứng khoán hiện nay.


Trần Nam Thi