|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bình Dương khánh thành nhà máy chế biến cà phê 5.000 tấn/năm

16:55 | 22/03/2019
Chia sẻ
Đây là nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh, có công suất 5.000 tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 80.000 m2 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II - A, với tổng vốn đầu tư hơn 65 triệu USD cung ứng các sản phẩm cà phê hòa tan cho thị trường toàn cầu.

Khánh thành nhà máy chế biến cà phê 5.000 tấn/năm

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, chiều ngày 6/3, tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II-A (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), Tập đoàn Tata của Ấn Độ đã tổ chức Lễ khánh thành nhà máy sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Đây là nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh, có công suất 5.000 tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 80.000 m2 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II - A, với tổng vốn đầu tư hơn 65 triệu USD cung ứng các sản phẩm cà phê hòa tan cho thị trường toàn cầu.

Bình Dương khánh thành nhà máy chế biến cà phê 5.000 tấn/năm - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Bình Dương

Được biết, Công ty TNHH Tata Coffee Việt Nam thuộc Tập đoàn Tata, tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất tại Ấn Độ với doanh thu hàng năm đạt trên 109 tỉ USD. Đây cũng là một trong những nhà trồng, bảo quản, chế biến, xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất ở Ấn Độ. Hiện nay, sản phẩm của Tata đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao dự án đầu tư của Tập đoàn Tata tại Bình Dương. Ông tin tưởng rằng Tata Coffee Việt Nam sẽ sớm đi vào hoạt động ổn định; cung cấp những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cà phê Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh.

Bình Dương sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tại Bình Dương nói chung và Tata Coffee Việt Nam nói riêng hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Trước đó, hồi cuối năm 2018, Công ty cổ phần Phúc Sinh khánh thành nhà máy Phúc Sinh Sơn La (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), quy mô 45 hecta sau 8 tháng xây dựng. 

Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc, đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của Tập đoàn Penagos - Columbia, Tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm.

Việt Nam còn khó khăn trong tiếp cận nhà rang xay cà phê thế giới

Tại hội nghị phát triển cà phê đặc sản diễn ra hồi đầu tháng 3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cả nước có khoảng 113 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê trong đó có 13 doanh nghiệp FDI. Chỉ có 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu còn lại vẫn phải mua cà phê thông qua hệ thống thương lái, đại lí.

"Xuất khẩu cà phê của chúng ta chủ yếu thông qua các doanh nghiệp đầu mối ở nước ngoài. Việt Nam vẫn còn khó khăn trong tiếp cận đối với nhà rang xay hàng đầu thế giới", ông Toản cho biết.

Đối với chế biến cà phê nhân, hiện nay cả nước có 100 cơ sở cà phê chế biến với tổng công suất thiết kế là 1,5 triệu tấn/năm. Đối với cà phê bột, có khoảng 600 cơ sở với tổng công suất đạt hơn 73.000 tấn/năm. Trong đó, có tới 50% dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Chế biến cà phê hòa tan, cả nước có 7 nhà máy với công suất 52.000 tấn/năm.

Về trình độ công nghệ chế biến cà phê, đối với nhóm công nghệ tiên tiến chiếm khoảng 12,7% tương đương 8 doanh nghiệp. Công nghệ trung bình tiên tiến chiếm 54%, tương đương 34 doanh nghiệp chủ yếu là các công ty nhà nước, công ty TNHH. Công nghệ trung bình khoảng 21 doanh nghiệp, quy mô nhỏ.

[Báo cáo] Thị trường cà phê tháng 2/2019: Giá cà phê quay đầu giảm[Báo cáo] Thị trường cà phê tháng 2/2019: Giá cà phê quay đầu giảm 59% người trưởng thành ở Mỹ tiêu thụ cà phê đặc sản59% người trưởng thành ở Mỹ tiêu thụ cà phê đặc sản Giá cà phê arabica năm 2019 dự kiến tăng khi sản lượng tại Brazil thấpGiá cà phê arabica năm 2019 dự kiến tăng khi sản lượng tại Brazil thấp


Đức Quỳnh