|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Biệt phủ' trên đất vàng đặc khu Vân Đồn: Chủ dự án trần tình

10:51 | 26/04/2018
Chia sẻ
Sự việc chuyển đổi 24ha đất rừng thành đất dự án tại thôn 6, xã Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh) trong thời điểm Vân Đồn sắp được “nhấn nút” để trở thành đặc khu kinh tế khiến dư luận quan tâm nhiều ngày qua.
biet phu tren dat vang dac khu van don chu du an tran tinh Cận cảnh 'biệt phủ' trái phép trên đất vàng đặc khu Vân Đồn
biet phu tren dat vang dac khu van don chu du an tran tinh
Với danh nghĩa trồng rừng nhưng thực tế dự án chưa hề trồng rừng mà xẻ núi xây “biệt phủ” làm du lịch chui!

Tiền mua đất chỉ hơn trăm triệu

Sau loạt bài “Biệt phủ” trái phép trên đất vàng đặc khu Vân Đồn được Tiền Phong đăng tải, dư luận đặc biệt quan tâm đến những sai phạm của ông Bùi Hạ Long khi ông này xây dựng hàng loạt công trình “khủng” ngay trên gần 24ha đất rừng từ nhiều năm nay nhưng không hề bị xử lý. Cũng ngay thời điểm nhạy cảm khi Vân Đồn chuẩn bị được “nhấn nút” để trở thành đặc khu kinh tế, hàng loạt công trình trái phép này được phía chính quyền “hợp thức hóa” để trở thành dự án trồng rừng.

biet phu tren dat vang dac khu van don chu du an tran tinh
“Biệt phủ” trái phép đã từng bị “tuýt còi” vì sai phạm.

Ngày 23/4, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hạ Long, chủ nhân của “biệt phủ” Vân Đồn. Trước đây, khi Vân Đồn chưa có cầu, dân cư thưa thớt, đất đai đa số là đồi núi và bị tách biệt với đất liền. Vào năm 2003, gia đình ông Bùi Hạ Long được người quen giới thiệu và mua lại đất rừng của một số hộ dân ở thôn 6, xã Hạ Long. “Khi đấy đất rẻ và tôi mua lại đất của dân với giá khoảng hơn 100 triệu đồng. Tôi cũng không nhớ rõ cụ thể tổng số tiền là bao nhiêu vì mỗi hộ bán chừng 30 triệu đến 70 triệu một khoảnh rừng” – Ông Long cho biết.

Sau khi mua được gần 20ha đất tại Vân Đồn, ông Long được chính quyền huyện này cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đấy, ông Long xây dựng một số công trình kiên cố trên đất rừng. Cho đến năm 2009, được sự tư vấn của các chuyên gia, ông Long làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và thay đổi tư cách pháp lý từ cá nhân ông Bùi Hạ Long sang doanh nghiệp là Cty TNHH MTV Vân Đồn Farm đối với khu đất này.

“Nói thực, tôi chỉ mua đất với ý định làm trang trại thôi. Vì tôi đang làm bên xuất nhập khẩu nên không có thời gian để đầu tư. Với lại đây là khu đất cằn nên trồng cây gì cũng chết, thậm chí người ta cho giống về nuôi nhưng đến lúc bán ra vẫn lỗ” - Ông Long nói.

Từng bị “tuýt còi”

Khi được hỏi, trong thời gian đến tìm hiểu và mua đất tại Vân Đồn, ông có biết là mình đang vi phạm pháp luật khi không phải là người tại địa phương lại mua đất rừng để làm trang trại? Ông Long khẳng định là không hề biết việc đấy là vi phạm vì phía chính quyền còn cấp cả sổ đỏ cho ông và ông cũng khẳng định không hề chuyển hộ khẩu về Vân Đồn để mua đất vì từ trước đến nay ông vẫn sống ở TP Hạ Long.

Năm 2011, thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về việc quản lý đất đai tại Vân Đồn của chính quyền huyện này, trong đó có khu đất của ông Bùi Hạ Long. Ngay sau đó, một loạt cán bộ chủ chốt của huyện này từ Chủ tịch, Phó chủ tịch và trưởng phòng Tài nguyên, Môi trường đều bị kỷ luật và cho thôi giữ chức, điều chuyển công tác.

“Tôi cũng không biết tại sao giai đoạn ấy dự án của tôi bị tỉnh dừng và bắt giữ nguyên hiện trạng. Cũng vì chuyện đất đai, dự án nên tôi với nhà tôi (vợ) suốt ngày cãi nhau” - Ông Long trình bày.

“Việc chính quyền phê duyệt một dự án lớn trên khu đất 24ha mà không hề suy xét hay mảy may ngó ngàng đến năng lực phát triển của Cty, nhất là ông Long một lúc đóng 2 vai trò chủ chốt tại 2 đơn vị không hề liên quan đến nhau là một sự tắc trách. Chưa nói đến việc dự án này không hề trồng rừng như đã cam kết mà còn xẻ núi xây dựng công trình trái phép nhiều năm nay” – Ông Ngô Thanh Quyết, một chuyên gia về lĩnh vực đất đai thuộc dự án bất động sản tại Hà Nội phân tích.

Không biết việc kinh doanh du lịch chui?

Ông Bùi Hạ Long là giám đốc Cty TNHH MTV Vân Đồn Farm, Cty đang triển khai dự án trồng rừng, trang trại, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu đất rộng gần 24ha tại Vân Đồn nhưng khi trao đổi với Tiền Phong, ông Long không hề biết Cty mình đang tổ chức kinh doanh du lịch trong một thời gian dài.

Để giải thích cho điều này ông Long cho biết: “Vì bên Cty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh (ông Long đang giữ chức vụ Phó giám đốc Cty) khối lượng công việc rất nhiều nên đa số thời gian ông phải dành cho công việc tại đây. Ít khi có mặt tại Cty TNHH MTV Vân Đồn Farm, chỉ thỉnh thoảng cuối tuần mới xuống đôn đốc công việc”.

Trong khi ông Bùi Hạ Long đang “loay hoay” chạy giấy tờ để chuyển đổi đất nhà thành đất dự án và các giấy tờ thủ tục liên quan để Cty đi vào hoạt động thì ngay tại chính khu “biệt phủ” này, nhiều tháng nay hoạt động kinh doanh ăn uống, lưu trú đã diễn ra rầm rộ. Giá phòng nghỉ được rao bán công khai trên các trang mạng, lượng khách đến đặt tiệc ngày một tăng.

“Vì tôi bận nhiều việc nên hiện tại tôi đang giao cho đứa cháu quản lý ở dưới đấy. Tôi cũng có dặn nó không được hoạt động kinh doanh, chỉ mở cửa cho khách vào tham quan thôi vì chúng tôi chưa có giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy tại các phòng nghỉ của nhà gỗ và cũng chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để mở cửa nhà hàng. Có mấy lần nó gọi lên xin cho một vài người bạn đến chơi nghỉ lại qua đêm” – Ông Long trần tình.

Vì sao đất rừng lại được kinh doanh, làm dự án? “Việc quản lý, giám sát hoạt động lưu trú, ăn uống trên địa bàn của các cơ quan chức năng thực hiện chưa nghiêm túc. Cty TNHH MTV Vân Đồn Farm rầm rộ tổ chức đón khách trái phép nhiều tháng nay không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của nhiều Cty khác mà còn tạo ra một tiền lệ xấu về sau. Chỉ cần có cơ sở, vật chất là có thể tổ chức kinh doanh mà không cần xin phép?” – Ông N. T. V., Giám đốc một Cty du lịch trên địa bàn TP Hạ Long nói.

“Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đất mà gia đình ông Long đang sử dụng để làm dự án thì nguyên bản là đất rừng phòng hộ. Vì từ năm 2017 trở về trước mấy lần đi họp ở xã tôi vẫn nghe nhắc đến. Diện tích đất rừng phòng hộ chiếm khoảng 2/3 diện tích đất rừng mà ông Long đang sử dụng. Nhưng không hiểu sao đến đất rừng phòng hộ mà họ cũng chuyển đổi thành đất dự án được?” – Một cán bộ xã Hạ Long xin được giấu tên nói.

Hoàng Dương