|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Biến thể Delta, cước tàu và thức ăn nuôi thủy sản leo thang: 3 quả tạ cùng lúc đè nặng ngành thủy sản

16:54 | 08/08/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục đối mặt với rủi ro. Giá cước vận tải vẫn neo ở mức cao giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở tăng 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, biến chủng Delta diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp suy giảm.

Công suất các nhà máy thủy sản chỉ còn 30 - 40% vì làn sóng COVID-19 mới

Ngành công nghiệp thủy sản Việt Nam đang chịu sự gián đoạn đáng kể trong sản xuất do chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết theo kế hoạch, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 8,7-9 tỷ USD.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, các công ty thủy sản, đặc biệt là khu vực Nam Bộ (chiếm 65% lượng thủy sản xuất khẩu) đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể nhất là từ nửa cuối tháng 7, giảm khoảng 15 - 20% so với tháng 6. Dự tính công suất các nhà máy chế biến thủy sản của cả vùng chỉ còn khoảng 30-40%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2021 đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương khoảng 45% kế hoạch của cả năm.

Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ ASEAN, trong đó có Việt Nam thì xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD.

Tình hình sản xuất thủy sản các tháng cuối năm đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản.

Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cố gắng duy trì sản xuất, tổ chức “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều nhà máy chế biến thủy sản không đáp ứng được điều kiện vì chi phí quá lớn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh dẫn đến phải dừng hoạt động.

Trả lời phỏng vấn trang UnderCurrent News, một doanh nghiệp thủy sản cho biết giá thực phẩm tăng gấp đôi. 

Đối với một số nhà máy, họ không thể nào chịu nổi chi phí thực phẩm cho toàn bộ nhân viên và buộc phải đóng cửa. 

Ngoài các tài xế xe tải buộc phải kiểm tra COVID-19 3 ngày/lần khiến hoạt động vận tải bị trì hoàn và gây ra tình trạng thiếu tài xế. Các doanh nghiệp hàng ngày đang phải đau đầu giữa những lựa chọn hy sinh cái gì và ưu tiên cái gì. 

“Hôm 22/7 diễn ra một buổi đấu giá hợp đồng cung cấp hàng cho Walmart trực tuyến. Tuy nhiên, công ty chúng tôi không thể chào giá bởi chúng tôi không thể chắc chắn điều gì có thể xảy ra trong những tháng tới”, vị này cho biết.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam trong quý II là rủi ro chính và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, năng suất lao động giảm khi phải tiến hành giãn cách (phân ca làm việc, giảm thiểu số lao động,..) và tăng chi phí cho doanh nghiệp (chi phí tiến hành 3 tại chỗ, chi phí kiểm dịch,…). 

Trong một báo cáo mới đây, CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết các xưởng chế biến của nhà máy trung tâm có trên 2.000 lao động, nay còn 500. Công ty đã dự kiến giảm hoạt động của 3 xưởng, duy trì 2 xưởng. Đồng thời phải phân công công việc lại cho người lao động tại các xưởng.

Tuy vậy, công ty vẫn phải liên tục điều chỉnh hoạt động do thiếu hụt hàng cung ứng và giá cao. Cả nghìn lao động của công ty vẫn đang thất nghiệp, chưa có nguồn hỗ trợ kịp lúc.

Mặt khác, đối với người nuôi tôm do nuôi rải vụ nên không thu hoạch rộ và gây áp lực lên nhà máy chế biến. Nhờ đó, giá tôm giảm trong khoảng vài ngày đầu, ngay sau đó phục hồi. Sao Ta cho biết hãng đủ nguyên liệu chế biến mỗi ngày, một phần do khả năng chế biến chỉ còn 30 - 40% so ngày thường.

Theo báo cáo tài chính qúy II/2021 của CTCP Vĩnh Hoàn  (Mã: VHC), trước những khó khăn của dịch bệnh, giá vốn hàng bán của Vĩnh Hoàn ghi nhận mức tăng cao hơn mức tăng của doanh thu thuần khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 20% về18,5%.

Đồng thời, hầu hết các chi phí hoạt động đều tăng cao so với cùng kỳ, Vĩnh Hoàn còn ghi nhận mức lãi 261 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp sốt ruột vì cước vận tải biển "trên trời"

Ngoài làn sóng COVID-19 thứ 4, giá cước tàu tăng cao và tình trạng thiếu container cũng là một gọng kìm bóp nghẹt doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua. 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết mặc dù hợp đồng xuất khẩu theo hình thức FOB nhưng khách hàng chỉ chịu một phần phí vận chuyển thay vì 100% như thông thường bởi giá cước tàu tăng quá cao, có lúc gấp nhiều lần so với bình thường. 

Điển hình như giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container tăng khoảng 4 lần lên 8.000 USD/USD chỉ trong vòng 5 tháng. 

Cùng giai đoạn, giá cước vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) cũng tăng tới 6 lần lên 9.100 USD/container.

Giá cao là vậy nhưng việc book (đặt) container cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi tình trạng thiếu container rỗng kéo dài từ cuối năm 2020 tới nay. 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nếu muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.

VASEP phản ánh trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. 

Thậm chí các doanh nghiệp đã có được đặt thành công container  nhưng do cước phí thuê tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu được giá cao hơn. 

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 6, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc  Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cho biết tình hình cước vận tải rất khó đoán định.

“Hiện tại thiếu container rất trầm trọng. Trong khi đó phía Trung Quốc đang cố gắng kéo hết vỏ container về phía họ.

Giá container tăng rất nhiều, cước tăng 2 - 4 lần so với bình thường mà chúng tôi cũng không biết cước tăng nữa không và có container để xuất không", ông Quang quan ngại.

Ông Quang cho biết việc cước vận tải và chi phí thuê container tăng chóng mặt sẽ là rủi ro lớn đối với giá bán tôm của Minh Phú bởi chi phí này biến động liên tục và mạnh do thiếu nguồn cung nên công ty khó hoạch định vào giá bán.

Lợi nhuận sau thuế của Minh Phú trong quý I ghi nhận giảm tới 51% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 27 tỷ đồng.

Ông Quang cho biết trong năm 2021, có thể Minh Phú chỉ đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

"Kế hoạch sản xuất thì sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận sẽ giảm 20%. Nếu chúng tôi giải quyết được vấn đề container thì sẽ đạt, thậm chí vượt. Tình hình sản xuất tốt. Tháng 5 vừa rồi xuất khẩu tăng 46% về lượng lượng và giá trị tăng gần 60%", ông Quang cho biết.

Giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng vọt

Việc giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao cũng góp phần đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng thêm. Có thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 30 - 40%. 

Trả lời Báo Công Thương, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết trong cơ cấu giá thành sản xuất thủy sản thì thức ăn chiếm khoảng 50-70%, trung bình là 60%. 

Do đó, khi giá cả biến động sẽ rất nhanh tác động đến thị trường, làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực thủy sản đặc biệt là giảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản.

Cước phí vận tải và chi phí nguyên vật liệu neo ở mức giá cao dự kiến tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong quý III/2021. 

BSC cho rằng các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục đối mặt với rủi ro. Giá cước vận tải vẫn neo ở mức cao giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở tăng 20% so với cùng kỳ. 

Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu vào do chi phí thức ăn chiếm khoảng 60% - 70% chi phí nuôi trồng thủy sản. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cuối năm phụ thộc nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch COVID-19.

Trong điều kiện tốt nhất, khi thị trường lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng thì mức tăng xuất khẩu thủy sản hàng tháng khoảng 6 - 8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

H.Mĩ