|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản 2025 vượt mốc kỷ lục 11 tỷ USD

11:20 | 02/01/2025
Chia sẻ
Năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít cơ hội và thách thức.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Nông sản, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 10 tỷ USD. Số liệu này chưa bao gồm hơn 250 triệu USD từ xuất khẩu bột cá, nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành thức ăn chăn nuôi.

Ngành tôm đã đạt được mức xuất khẩu gần 3,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, mặc dù thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược tập trung thế mạnh hàng giá trị gia tăng và đa dạng hóa các phân khúc sản phẩm (tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm, tôm biển...), ngành tôm VN vẫn duy trì được sự cạnh tranh & phát triển ổn định.

Ngành cá tra, mặc dù đối mặt với các khó khăn như chi phí vận tải biển gia tăng và giá nhập khẩu phục hồi chậm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng quay lại mốc 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước. Những thị trường truyền thống như Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia thuộc CPTPP đã trở thành động lực quan trọng giúp ngành cá tra phục hồi.

Trong khi đó, xuất khẩu hải sản khai thác (cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ và các loài cá biển khác) cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, mặc dù rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và các quy định IUU phải tuân thủ.

Năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít cơ hội và thách thức.

Cơ hội từ thị trường Mỹ và các hiệp định thương mại tự do

Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024, dù mức độ tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia. Thị trường thủy sản toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu cao. Các thị trường như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng có thể mở rộng, tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ Việt Nam.

Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán 3 hiệp định. Những hiệp định thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định EVFTA (với EU) và CPTPP, giúp giảm thuế xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn bị kiềm chế bởi những bất ổn địa chính trị

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sang xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam mở rộng và giữ vững vị thế trên các thị trường.

Đặc biệt là xu hướng sản xuất phụ phẩm từ các nguồn nguyên liệu thủy sản mang lại cơ hội để gia tăng giá trị cho ngành thủy sản, thực hiện tiêu chí kinh tế tuần hoàn, giảm ảnh hưởng môi trường…

Ngoài ra, theo VASEP nếu Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thủy sản từ các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, điều này có thể tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam để thay thế, nhất là khi chất lượng thủy sản Việt Nam được đánh giá cao và giá cả cạnh tranh hơn. Thị trường Mỹ có thể tìm đến Việt Nam như một nguồn cung thay thế khi các sản phẩm từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế cao hơn.

Chính sách thuế tăng của Mỹ vào năm 2025 sẽ có những tác động lớn đến ngành thủy sản Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đồng thời đối mặt với nhiều thách thức lớn như chi phí xuất khẩu tăng và rủi ro bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.

Cạnh tranh trở nên gay gắt hơn

Tuy nhiên, theo VASEP, trong năm 2025, ngành thuỷ sản còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản nuôi trồng. Tình trạng nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ và nguồn nước ô nhiễm có thể gây khó khăn cho sản xuất nguyên liệu thủy sản, nguy cơ dịch bệnh làm giảm nguồn cung và chất lượng nguyên liệu.

Các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng và chất lượng thủy sản xuất khẩu. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng sản phẩm cho thủy sản Việt Nam

Các yếu tố như giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, và chi phí vận chuyển tăng cao có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thủy sản. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Căng thẳng thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thay đổi trong giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường có thể làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ngoài ra, những biến động địa chính trị có thể ảnh hưởng đáng kể đến thương mại thủy sản của Việt Nam, vì ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong xuất khẩu và nền kinh tế quốc gia. Các yếu tố địa chính trị có thể tác động theo nhiều cách khác nhau, từ thay đổi trong chính sách thương mại đến những căng thẳng trong khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

H.Mĩ