Biến động khó lường có thể làm hỏng 'bữa tiệc' chứng khoán Mỹ tuần này
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước đã chịu thiệt hại nặng nề, chỉ số Nasdaq mất 2,9% tính chung trong cả tuần và hụt hơi so với các các chỉ số chứng khoán chính khác.
Cổ phiếu công nghệ nằm trong vùng trung tâm của sự biến động trong bối cảnh nhà đầu tư phản ứng với sự lây lan của chủng Omicron và sự chuyển hướng "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Santa Claus Rally mô tả hiện tượng thị trường chứng khoán tăng liên tục trong 5 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12 cho tới hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng 1 năm sau.
Ông Jeff Kleintop, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab nhận xét: "Trong hai tuần cuối cùng của 2021, chúng tôi biết khối lượng giao dịch sẽ thấp và biến động có thể tăng cao.
Có khả năng thị trường sẽ nhận được món quà từ ông già Noel (Santa Claus Rally), nhưng cũng có khả năng khối lượng yếu ớt dẫn đến những cú lao dốc nặng".
Theo CNBC, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ có ngạn ngữ rằng nếu ông già Noel không ghé thăm, gấu có thể tiến đến Phố Wall và Phố Board – địa chỉ của Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Giao dịch thưa thớt
Cho đến nay chỉ số S&P 500 vẫn cao hơn 1,2% so với đầu tháng 12, tuy tính chung trong với tuần trước thì sụt giảm 1,2%. Chỉ số bluechip này đã tăng khoảng 23% từ đầu năm, kết phiên cuối tuần trước ở mức 4.620 điểm.
Ông Michael Arone, Giám đốc đầu tư tại State Street Global Advisors cho biết: "Khó có thể phán rằng chúng ta sẽ chứng kiến một đợt Santa Claus Rally vì thị trường đã đạt hiệu suất mạnh mẽ cho đến giờ phút này. Thật là táo bạo nếu ai đó dự đoán thị trường sẽ dựa vào động lực đó để lên cao hơn nữa".
"Khối lượng giao dịch sẽ sụt giảm và nhiều khả năng dẫn dến biến động mạnh cho đến hết năm. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường kết thúc năm 2021 một cách mạnh mẽ nhưng trong bối cảnh Omicron lây lan và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, nhà đầu tư có vẻ đang rất lo lắng".
Các chuyên gia vẫn chưa từ bỏ hy vọng chứng khoán Mỹ có đà tăng ấn tượng từ cuối tháng 12 cho đến đầu tháng 1. Nhưng với áp lực bán hiện nay, nhóm nhà đầu tư săn món hời cuối năm có thể khó mà nâng đỡ được thị trường. Sự thưa thớt của người mua và người bán có thể khiến việc dự đoán diễn biến cổ phiếu từ nay cho đến tháng 1 trở nên khó khăn.
Giám đốc Kleintop của Charles Schwab thừa nhận: "Sẽ khó có thể đưa ra dự đoán chính xác về thị trường – do khối lượng thấp và ít dữ liệu về kinh tế hay tin tức về doanh nghiệp. Chúng ta sẽ chỉ có thêm thông tin về Omicron".
Trong năm qua, lợi nhuận là chất xúc tác quan trọng cho chứng khoán, đa phần kết quả kinh doanh thực tế đều đánh bại ước tính của các chuyên gia và bản thân doanh nghiệp. Ông Kleintop nhận định, nếu thị trường tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, lợi nhuận doanh nghiệp có thể giúp lật ngược tình thế trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp theo vào giữa tháng 1.
Ông cho biết lợi nhuận doanh nghiệp chỉ được dự đoán tăng 8% trong năm 2022, nhưng con số này có thể tăng cao hơn vì doanh nghiệp có vẻ đang quản lý được biên lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.
Trong tuần này, thị trường sẽ chú ý nhất vào dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được công bố ngày 23/12, do chỉ số PCE là thước đo lạm phát mà Fed coi trọng nhất.
Giám đốc Arone của State Street Global Advisors nói rằng nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chỉ số niềm tin người tiêu dùng được tiết lộ vào ngày 22/12 để nắm bắt kỳ vọng về lạm phát. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan được công bố vào ngày tiếp theo.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vào ngày 24/12 cho dịp lễ Giáng sinh.
Trung Quốc nới lỏng?
Tuy Fed và ngân hàng trung ương Anh gần đây đã có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, một cường quốc kinh tế khác có thể đang làm điều ngược lại.
Giám đốc Kleintop nhận xét Trung Quốc có thể mang đến bất ngờ dễ chịu cho nhà đầu tư trước khi sàn giao dịch mở cửa ngày 20/12.
"Vào thứ Hai, các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem Trung Quốc làm gì với lãi suất cơ bản. Có thể Trung Quốc sẽ giảm lãi suất. Nếu Trung Quốc kích thích kinh tế thì đó sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng toàn cầu", ông Kleintop nhấn mạnh.