Biến cố bất ngờ từ dịch corona khiến thị trường tài chính 2020 trở nên khó lường và kém tích cực hơn
Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vốn được coi là sự kiện đáng trông đợi nhất trong tháng 1 và đã có thể kéo dài tâm lí tích cực của tháng 12/2019 nếu như không bị xen vào bởi hai sự kiện lớn.
Một là mâu thuẫn Mỹ - Iran bất ngờ bùng phát và hai là dịch virus corona (covid-19).
Những biến động bất ngờ làm tâm lí giới đầu tư trồi sụt liên tục và được thể hiện rõ nhất qua biến động của đồng tiền trú ẩn là yen Nhật (JPY). Đồng tiền này tạo đáy vào giữa tháng 1 trong khi tạo đỉnh vào đầu và cuối tháng, khoảng cách giữa đỉnh và đáy lên tới 1,92%.
Vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá mạnh trong khi giá dầu giảm sâu. Đường cong lợi tức đảo ngược, lợi tức kì hạn 3 tháng đã cao hơn các kì hạn 10 năm trở xuống.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), vị thế trọng yếu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến tổng thiệt hại kinh tế do dịch corona có thể lớn hơn nhiều so với mức 40 tỉ USD của SARS năm 2003.
Dịch bệnh là biến cố lớn và bất ngờ, nó khiến các sự kiện khác như căng thẳng Mỹ-Iran, thỏa thuận Mỹ -Trung ngày 15/1, Brexit vào 31/1, phiên họp tháng 1 của Fed... trở lên mờ nhạt. Thị trường tài chính 2020 trở nên khó lường và kém tích cực hơn nhiều so với các dự báo đưa ra tại thời điểm cuối năm 2019.
Đây cũng là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế vốn đang có nhiều bất ổn của Trung Quốc. Các chính sách nới lỏng của PBoC sẽ tiếp tục được mở rộng với tốc độ mạnh hơn so với 18 tháng qua để vực lại nền kinh tế.
Thực tế, trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2, PBoC đã liên tục bơm mạnh tiền trên thị trường mở và hạ lãi suất mua kì hạn 10 điểm. Đồng nhân dân tệ (CNY) trong cả tháng 1 hồi phục về mức dưới 7 CNY/USD nhưng áp lực giảm giá trong thời gian tới vẫn ở mức cao.
Đồng tiền của Thái Lan, Hàn Quốc và Nga giảm giá mạnh nhất trong tháng 1
Chỉ số USD Index quay trở về vùng 98, ngoại trừ JPY và CHF (franc Thuỵ Sỹ), hầu hết đồng tiền giảm giá so với USD trong tháng 1 trong đó mạnh nhất là baht Thái (THB). Đồng tiền này đã tăng giá tới 8% trong năm 2019, mức tăng giá mạnh nhất tại khu vực Châu Á và đứng thứ hai toàn cầu (sau Nga).
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã tuyên bố sẽ có biện pháp để kiềm chế đà tăng của THB, cộng hưởng vào đó là dịch bệnh khiến ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch của Thái Lan thiệt hại nặng nề.
Đồng THB đã quay đầu giảm giá tới 4,94% chỉ trong tháng 1. Trong nhóm ba đồng tiền giảm giá mạnh nhất tháng 1 còn có won Hàn Quốc - KWR (giảm 3,46% so với đầu năm) và rub Nga - RUB (giảm 3,25%) cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến giao thương gián đoạn và giá dầu giảm.
Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là tâm điểm tác động lên thị trường quốc tế. Các yếu tố tích cực như chỉ số kinh tế Mỹ, nới lỏng của các NHTW hay sự cải thiện quan hệ Mỹ - Trung có thể có những tác động nhất định nhưng khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, rủi ro biến động trên thị trường tài chính vẫn còn rất cao.