|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lập tổ công tác đặc biệt về Thủ Thiêm

18:20 | 20/06/2018
Chia sẻ
Sau hơn ba tiếng lắng nghe những bức xúc của người dân quận 2, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm...

'Rà soát đất ngoài ranh quy hoạch thì không phải di dời'

Chiều nay (ngày 20/6), tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đứng đầu tiếp tục buổi tiếp xúc cử tri quận 2 để giải đáp nhiều bức xúc của người dân, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm.

14h chiều hội nghị mới diễn ra nhưng từ đầu giờ trưa hàng trăm người dân đã có mặt, họ tiếp tục mang theo hồ sơ, bản đồ, đơn thư khiếu nại... vào hội trường. Tổng cộng có đến 140 cử tri đăng ký trình bày, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay khi mà trước đó các buổi tiếp xúc cử tri khác chỉ có khoảng 20 người phát biểu.

bi thu nguyen thien nhan lap to cong tac dac biet ve thu thiem
Tổ ĐBQH TP HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đứng đầu tiếp tục buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào chiều ngày 20/6. (Ảnh: Zing)

Sau ba tiếng lắng nghe và ghi chép gần 30 ý kiến của cử tri quận 2, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ lập một tổ công tác đặc biệt về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm. Thành phần tổ công tác gồm các chuyên gia, luật sư, đại diện Mặt trận Tổ quốc để giám sát... Tổ công tác sẽ rà soát, giải quyết từng trường hợp chứ không chờ đến ngày 15/7 – thời điểm có kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Nhân, người dân mong muốn có KĐT mới nên chấp thuận di dời, song dự án triển khai quá chậm, chính quyền sẽ phải kiểm điểm. Chắc chắn sẽ có một nhà hát, công viên rất lớn ở Thủ Thiêm như quy hoạch. Hết nhiệm kỳ này nhất định phải khởi công...

Trước buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, ông Nhân đã đến gặp một số gia đình ở Thủ Thiêm và đến khu tạm cư Bình Khánh để tìm hiểu cuộc sống hiện tại của người dân. "Đó là những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng bình yên. Chưa biết lý do gì, nhưng thấy mọi người ở cái tuổi như cha mẹ mình, nằm liệt giường trong những căn nhà dột nát, lụp xụp... tôi đau lắm chứ", ông nghẹn giọng nói trước hội trường.

Một trong những vấn đề nhiều người bức xúc nhất là người dân không biết được đất của mình nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch. Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định: “Việc này sẽ được Thanh tra Chính phủ trả lời rõ ràng, nếu không nằm trong ranh thì không phải di dời...”.

Vị lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của người dân ở tất cả các quận huyện “cho đến khi có cách giải quyết vụ việc”. Trong thời gian chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, người dân nên vào ở khu táo định cư cho bớt khổ, ổn định, chờ giải quyết.

‘Giá căn hộ tại Thủ Thiêm đắt gấp 20 lần tiền đền bù đất ban đầu là cắt cổ người dân’

Tại cuộc gặp kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, người dân đề xuất trả lại nhà, đất cho người bị thu hồi chưa đúng, không đúng hoặc hoán đổi về khu 4,3 ha trên đường Trần Não, khu phố 1, phường Bình An; đền bù thiệt hại cho người dân trong thời gian sớm nhất để ổn định cuộc sống và đề nghị Thủ tướng cho thanh tra toàn diện dự án KĐT mới Thủ Thiêm.

Cụ thể, bà Lê Thị Bạch Tuyết (phường Bình Trưng Tây) nói muốn biết rõ về 160 ha tái định cư của dân trong diện giải tỏa cho KĐT mới Thủ Thiêm theo Quyết định 367.

"Tôi không biết khu vực này ra sao mà thành phố đưa dân đi tái định cư rất nhiều nơi, rải rác khắp nơi. Tôi xin hỏi đồng chí Bí thư chỉ rõ cho tôi thấy 160 ha khu tái định cư này nằm ở đâu? Dân chúng tôi được xếp tái định cư sát Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng giờ lại đi khắp nơi và cũng không đồng ý chuyện này”, bà Tuyết nói.

Ngoài ra, bà tiếp tục nhắc lại mức giá chênh lệch quá lớn giữa tiền đền bù mà bà nhận được là hơn 18 triệu đồng, trong khi căn hộ tại dự án của Công ty Đại Quang Minh xây dựng trên chính khu vực nhà cũ của mình lại có giá bán lên đến 350 triệu đồng/m2, thậm chí các căn hộ tại đây cũng đã bán hết sạch.

“Giá đó chính là cắt cổ cư dân khu Thủ Thiêm. Giá đền bù như vậy thì xin thành phố xem lại coi có hợp lý hay không? Tính ra chỉ bằng 1/20 so với giá công ty Đại Quang Minh bán ra thôi. Khu đô thị Sala hưởng 4 tuyến đường tươi đẹp chứ dân chúng tôi có được hưởng hay không?”, bà Tuyết liên tục đặt câu hỏi.

Còn bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (phường An Lợi Đông) thì trình bày việc nhà bà bị cưỡng chế không bồi thường.

“Nhà ba hộ có hộ khẩu, có đóng thuế nhưng khi đền bù thì ghép vô nhà không số, không đền bù, giải tỏa năm 2009. Tôi khiếu nại từ thành phố về quận, quận đẩy về phường nhưng không có ai giải quyết. Đất ở ba đời mà giải tỏa không đền bù, em tôi chỉ ở tạm, con không được học hành. Tôi khiếu nại 10 năm rồi nhưng không ai giải quyết…", bà Mỹ bức xúc.

‘Đi kiện mấy chục năm, từ lúc tóc còn xanh đến khi bạc trắng đầu’

“Chúng tôi khổ lắm đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ơi!” – tít bài mà nhiều báo cùng đưa tin trong buổi chiều nay chính là lời bà Lê Thị Nga (phường Bình An) phát biểu trong buổi gặp mặt. “Chúng tôi bây giờ chỉ mong mỏi giải quyết nhanh gọn chính xác, để bà con bớt khổ. Vấn đề Thủ Thiêm thì bây giờ các đồng chí tự xử đi chúng tôi mệt mỏi lắm rồi. Sức đâu mà đi kiện mấy chục năm trời, từ lúc còn xanh đến lúc bạc trắng đầu. Tôi chỉ mong mọi việc sáng tỏ về việc thu hồi đất có đúng trình tự hay không...”.

Cử tri phường Bình Khánh – ông Phạm Thế Vinh đặt câu hỏi vì sao việc khiếu nại đất đai của bà con kéo dài nhiều năm mà không được giải quyết? chứng tỏ vai trò giám sát chưa hiệu quả, nhất là việc quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm.

Ông Vinh cho rằng 13 bản đồ mà TP HCM mượn của ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM, chỉ là bản dự thảo, không đủ cơ sở pháp lý xác định quy hoạch. “Toàn bộ văn bản liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm chúng tôi đã công chứng hợp lệ, tóm tắt bằng ba bản đồ”, ông Vinh trưng ra ba bản đồ để chứng minh đất đai của những hộ dân thuộc phường ông đang ở nằm ngoài ranh quy hoạch.

bi thu nguyen thien nhan lap to cong tac dac biet ve thu thiem
Người dân Thủ Thiêm đưa ra các căn cứ pháp lý về quan điểm của mình. (Ảnh: VnExpress)

Có hai căn nhà bị cưỡng chế để phục vụ dự án KĐT mới Thủ Thiêm, bà Mai Kim Liên (phường Bình Trưng Tây) cho biết: “Tôi nộp thuế đất ở từ năm 1980, nhưng khi giải tỏa chỉ được đền bù 200 m2, thiếu đến 220 m2, trong khi tôi có 2 sổ đỏ. Tôi mong việc bồi thường phải đúng, căn cứ theo pháp luật, vì đất nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch và cũng không có quyết định thu hồi đất”...

Xem thêm

N.Lê (tổng hợp)