|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí quyết thành công của những người vừa bắt tay vào công việc mới

10:40 | 27/08/2019
Chia sẻ
Không chỉ những sinh viên vừa tốt nghiệp, bất cứ ai đều có thể nhận một công việc mới trong khi chưa thực sự sẵn sàng về kĩ năng và chuyên môn nhưng bí quyết thành công là gì?

Không ai muốn trở thành người bất tài hoặc thiếu kinh nghiệm trước nhà quản lí hay đồng nghiệp nhưng phần lớn của sự thăng tiến trong sự nghiệp của bạn đến từ việc học những điều mới và không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.

"Mọi người sợ phải nhờ giúp đỡ vì chúng ta không muốn có vẻ ngu ngốc hoặc không biết những gì chúng ta đang làm", Jodi Glickman, tác giả của cuốn sách Great on the Job: What to Say, How to Say It, cho biết.

Nhưng hãy nhớ rằng không ai biết tất cả mọi thứ và các nhà lãnh đạo giỏi nhất không ngại nhận sự hỗ trợ từ người khác. Thậm chí có nhiều cách yêu cầu được giúp đỡ sẽ khiến bạn trở nên thông minh và đáng mến hơn.

Không tự ti và coi thường bản thân

Được yêu cầu chủ trì một dự án mới có thể đáng sợ và bạn có thể sẽ nghi ngờ bản thân nhưng đừng để cảm xúc tiêu cực chi phối mọi thứ.

"Mọi người thường xuyên biết nhiều hơn họ nghĩ nhưng chúng ta chỉ tập trung vào khía cạnh tiêu cực", Anna Bray, một giám đốc điều hành và tư vấn hướng nghiệp tại Jody Michael Associates nói.

Hội chứng Kẻ mạo danh (Impostor Syndrome) rất phổ biến ở các công sở, đặc biệt với nét văn hóa khiêm tốn truyền thống của người châu Á. Hội chứng này xói mòn sự tự tin của một người, khiến chúng ta cảm thấy không xứng đáng với vị trí được giao và đặt câu hỏi về khả năng của mình bất chấp những thành công đã đạt được trước đó.

"Hãy lập danh sách tất cả những điều bạn làm tốt", Bray gợi ý. "Phân tách rõ ràng sự thật khỏi nỗi sợ bạn đang cảm thấy".

Ở một số thời điểm nhất định, bạn chỉ cần lao vào và bắt đầu giải quyết vấn đề thay vì tiếp tục suy nghĩ. "Đôi khi, chúng ta ngồi ngoài lề và nghĩ mình không thể làm điều đó nhưng bắt tay vào việc sẽ khiến bạn nhận ra khả năng của mình", Bray nói.

Untitled

Yêu cầu sự giúp đỡ ở văn phòng đôi khi là một tình huống khó xử cần những cách hành động khôn ngoan. Ảnh: CNN

Hãy thừa nhận bạn đang học hỏi và lập lộ trình cải thiện

Nếu bạn thực sự không biết bắt đầu từ đâu, điều quan trọng là thể hiện sự nhiệt tình.

Hãy nói với sếp rằng đây dường như là một cơ hội tuyệt vời nhưng thừa nhận bạn chưa bao giờ có kinh nghiệm đảm nhiệm công việc tương tự", Glickman gợi ý. Mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng tới sự thành công.

Sau đó, phát triển một kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thành trách nhiệm được giao. Đó có thể là một danh sách đơn giản với các gạch đầu dòng và bổ sung thêm những trợ giúp bạn sẽ cần trong quá trình triển khai.

Việc xin ý kiến từ các đồng nghiệp hay những người bạn đã từng tham gia các dự án tương tự là ý tưởng không tồi, thay vì cố gắng tự mình làm tất cả.

"Nếu ai đó yêu cầu bạn làm điều gì đó và bạn không biết làm thế nào nhưng bạn chỉ cười và tìm kiếm trên Google, cơ hội bạn sẽ thành công là rất ít đến bằng 0", Glickman khẳng định.

Tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn

Nếu bạn đang thực hiện một dự án và bất ngờ gặp phải một rào cản dường như không thể vượt qua, đừng ngại yêu cầu giúp đỡ.

Khi tiếp cận ai đó để được hỗ trợ, hãy cung cấp càng nhiều chi tiết càng tốt. Một bản cập nhật về tiến độ thực hiện, giải thích vấn đề và tất cả các giải pháp bạn đã thử trước đó sẽ tiết kiệm thời gian cho người nhận yêu cầu.

"Hãy tạo cho mình một thái độ tích cực," Glickman nói. "Bạn không nên bước vào và nói:" tôi không biết phải làm gì cả'".

Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một vài ý tưởng về giải pháp trước khi yêu cầu được giúp đỡ.

Sau đó, bạn có thể hỏi ý kiến nhà quản lí về giải pháp hoặc tình huống hiện tại. "Điều này đặt bạn vào vị trí bình đẳng hơn thay vì chỉ hỏi 'ta nên làm gì?'", Glickman nói.

Nêu yêu cầu hoặc câu hỏi một cách chi tiết

Hầu hết mọi người đều vui vẻ cho giúp đỡ nhưng không ai thích cảm giác bị lợi dụng. Một yêu cầu mơ hồ như "Này, tôi cần anh giúp một phần" là ví dụ điển hình cho việc đó.

"Mọi người muốn giúp đỡ, nhưng họ không muốn bị áp đặt," Nora Bouchard, một chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp nói. Tất cả chúng ta đều có thời gian và nhiệm vụ riêng cần giải quyết.

Ngoài việc thể hiện tính tích cực và siêng năng làm công việc của mình, hãy đưa ra khung thời gian và công việc cụ thể cần được hỗ trợ.

"Đừng chỉ đòi hỏi sự chú ý của họ ngay lúc đó và ở đó, hãy tôn trọng thời gian của họ", Bray nói. Và nếu bạn đang tiếp cận một đồng nghiệp, giải thích lí do tại sao bạn cần họ cũng rất hữu ích.

Đừng lặp lại sai lầm hay thắc mắc

Yêu cầu giúp đỡ không có gì sai. Các nhà quản và giám đốc nên khuyến khích loại tương tác này trong công ty và thậm chí làm gương. Vấn đề là khi bạn yêu cầu hỗ trợ nhiều lần cùng một công việc.

"Nếu bạn hỏi cùng một câu hỏi tới 3 lần với cùng một người thì bạn có vấn đề", Marc Cenedella, CEO của Ladder nói.

Hãy học hỏi từ hướng dẫn của những người khác để áp dụng cho các vấn đề trong tương lai thay vì chỉ thụ động chờ đợi và hoàn toàn trông chờ vào đồng nghiệp.

Trau dồi các kĩ năng và chuyên môn nhiều hơn

Nếu bạn thấy mình bị mắc kẹt với cùng một vấn đề, hãy chủ động tăng cường các năng chuyên môn của mình. Hiện nay, nhiều hướng dẫn và khóa học trực tuyến miễn phí hay các khóa đào tạo ngắn hạn rất dễ tìm kiếm và đăng kí.

Nếu bạn vẫn cảm thấy cần thêm hướng dẫn, hãy nghiên cứu các chương trình đào tạo và đề xuất với nhà quản lí.

Tuy nhiên, đừng nêu những lí do ngớ ngẩn. "Hãy trình bày rằng bạn đã có hiểu biết cơ bản đầy đủ nhưng muốn trở nên tốt hơn và đưa ra các  do thực tế vì sao họ nên trả phí đào tạo cho bạn", Glickman đề xuất.

Hãy chuẩn bị thêm thông tin về lớp học, hội thảo và chi phí. "Bạn không bao giờ nên gặp nhà quản lí của mình với một vấn đề mà không đi kèm theo một giải pháp", Glickman nói.

Thu Phương