ĐHĐCĐ TCM: Nhận đơn hàng gấp đôi từ E-Land, ước lãi 2,5 triệu USD
Sáng ngày 5/4, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Adora Center, quận Tân Bình, TP HCM. Đến 8h, đại hội có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho 81,7 triệu cổ phiếu, tương đương 88% tổng số lượng có quyền biểu quyết.
Đơn hàng 10 triệu sản phẩm
Tại đại hội, Tổng giám đốc Song Jae Ho cho biết ngành dệt may trải qua nhiều thách thức, Dệt may Thành Công không đạt kế hoạch đề ra trong năm ngoái.
Với kế hoạch năm 2024, lãnh đạo công ty nói rằng chiến lược chung là thay đổi các mặt hàng cơ bản sang mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng các công nghệ mới, hợp tác sâu với đối tác Eland, tăng chuyển dụng chuyên gia ngành nhuộm, chia sẻ phòng thí nghiệm...
"Thành Công và E-land sẽ thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm, cao gấp đôi năm ngoái. Đội ngũ bán hàng cũng đang phát triển các dòng khách hàng mới", theo ông Song.
Lãnh đạo doanh nghiệp nói việc mua lại SY Vina - một nhà sản xuất vải dệt với mục đích là lấy giấy phép ngành nhuộm cũng như mở rộng các dòng sản phẩm. Sau khi hoàn tất thương vụ, công ty kỳ vọng nhận được nhiều đơn vải dệt và sản xuất thêm quần áo vải dệt.
Trao đổi bên lề, Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng cho biết doanh thu từ E-Land khoảng 35 triệu USD năm ngoái và do đó có thể kỳ vọng doanh thu tăng gấp đôi, tuy nhiên còn tùy thuộc nhiều vào điều kiện thị trường và cơ cấu sản phẩm.
Thảo luận
1, Tình hình kinh doanh quý I/2024 ra sao?
Giám đốc tài chính Nguyễn Minh Hảo: Theo số liệu sơ bộ, doanh nghiệp dự kiến có doanh thu 39 triệu USD, so với cùng kỳ 37 triệu USD thì tăng trưởng 6%.
Lợi nhuận quý đầu năm khoảng 2,5 triệu USD, cùng kỳ đạt 2,3 triệu USD, tương đương tăng trưởng 9% về lợi nhuận.
2, Tác động của giá bông tăng mạnh?
Tổng giám đốc Song: Chúng ta không nên quá quan tâm lợi thế hay không từ việc tăng giá bông. Chẳng hạn, giá bông có xu hướng tăng trong quý I nhưng giờ đã chững lại. Thành Công hiện đã sản xuất khép kín, giá bông tăng lên thì mảng sợi tốt nhưng lại ảnh hưởng mảng kinh doanh quần áo, giá FOB cũng phải cao hơn.
Do đó chúng ta nên tập trung 2 yếu như sau: Khi tăng thì tối ưu giá bông để có lợi nhuận tốt nhất mảng sợi, cùng với đó là bán giá sợi cập nhật theo thị trường tốt hơn.
3, Chuyển nhượng dự án Vĩnh Long, Trảng Bàng có đối tác chưa?
Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng: Nhà máy Vĩnh Long còn lại 6,5ha. Thời điểm công ty mua vào năm 2014 là khoảng 26 USD có VAT, giá khu vực này hiện nay trên dưới 120 USD chưa VAT. Hiện có vài nhà đầu tư nhưng không mua hết diện tích, nên chưa chốt được việc chuyển nhượng, nếu hoàn tất sẽ ghi nhận lợi nhuận ngay trong năm nay.
Nhà máy Trảng Bàng tương tự và tất cả đều chưa đưa vào kỳ vọng năm nay, do đó lợi nhuận thực tế có thể tăng theo kỳ vọng này.
5, Kỳ vọng gì từ nhà máy SY Vina mới mua?
Tổng giám đốc Song: Chúng ta mua lại với 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là giấy phép nhuộm, Thành Công rất cần giấy phép này trong tương lai, thay vì xây nhà máy thì mua lại sẽ thuận lợi hơn.
Thứ hai là các mặt hàng sản xuất sẽ đa dạng hơn, trước kia có các dòng sản phẩm vải đan thì khi mua lại sẽ mở rộng các dòng sản phẩm và tăng doanh thu.
Công suất hiện nay là 3 triệu mét vài/năm và năm 2023 mới thực hiện 1 triệu mét. Đến tháng 3 năm nay đã vận hành công suất 1,5 triệu m, giúp tăng hiệu quả sản xuất và dự kiến lợi nhuận hoạt động dương. SY Vina có thể nhận thêm đơn hàng từ Eland và Thành Công cũng mang đội ngũ quản lý sang hỗ trợ.
Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng: Việc mua lại SY có lợi rất lớn. Lúc đầu công ty dự tính chi 40-50 triệu USD xây nhà máy nhưng bị giới hạn công suất nước thải. Trong khi mua lại nhà máy SY Vina chỉ tốn 19 triệu USD và có sẵn hệ thống nước thải.
Thứ 2 là việc hòa vốn, ban lãnh đạo đưa ra yêu cầu là SY không lỗ năm nay. Trong khi xây nhà máy mới phải mất 3-7 năm mới hòa vốn, việc mua lại là hết sức đúng đắn và có lợi cho công ty.
7, Tình hình đơn hàng các quý tới?
Tổng giám đốc Song: Chúng tôi đã nhận đơn hàng cho quý II khoảng 85% công suất và còn 15% công suất đang tìm kiếm. Với quý III, công ty cũng đã nhận được 80% đơn hàng theo kế hoạch. Với năng lực hiện tại, chúng tôi có thể hoàn thành mục tiêu năm đặt ra.
8, E-Land tăng gấp đôi đơn hàng, nhưng vì sao công ty đặt kế hoạch thận trọng?
Tổng giám đốc Song: Thật ra chúng tôi có mục tiêu phấn đấu trong nội bộ cao hơn nhiều mục tiêu trình cổ đông.
Chúng tôi không chắc lắm về mức cụ thể có thể đạt được mục tiêu. Chúng tôi có trao đổi với nhau và thấy để đạt được lợi nhuận cuối cùng tăng 20% cũng không đơn giản, nhưng chúng tôi khẳng định vẫn đạt được.
Nhìn tổng quan thì thị trường dệt may Việt Nam đang tốt lên, nhưng chi phí lao động và chi phí khác cũng tăng hàng năm. Không dễ dàng kiểm soát mức tăng trưởng lợi nhuận, công ty đang tối ưu chi phí để tăng lợi nhuận cho cổ đông.
9, Rủi ro dè chừng nhất?
Tổng giám đốc Song: Trong bối cảnh ngành dệt nhiều biến động, để phòng ngừa rủi ro thì chúng tôi tập trung vấn đề hành động nhanh, bán hàng nhanh hơn và giao hàng nhanh hơn các đối thủ, đầu tư hệ thống ERP mới để ra quyết định nhanh hơn.
Hiện đồng ý vơi E-Land để tập trung vào đáp ứng đơn hàng để tăng trưởng doanh thu, mở rộng thêm khách hàng.
Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng: Trong thế giới có biến động bất thường, việc dự báo và quản trị rất quan trọng.
Vấn đề lo nhất là về dòng tiền, hiện có nhiều ngân hàng muốn làm việc với Thành Công nhưng công ty rất thận trọng. Công ty có khách hàng mới đầu tư và xem xét rất kỹ về vấn đề thanh toán để tránh bài học quá khứ. Hệ thống công ty có công cụ kiểm tra với nhau, được quản trị rủi ro tốt hơn.
10, E-Land có tăng đặt hàng các năm tới ra sao?
Tổng giám đốc Song : Kế hoạch đặt hàng 2025-2026 tăng hơn hay không còn phục thuộc vào kết quả năm nay. Thành Công và Eland là các công ty khác nhau, không thể ở góc độ giúp đỡ mà phải nhìn vào kết quả kinh doanh. Nếu năm 2024 có lợi nhuận tốt thì năm sau sẽ có thỏa thuận tốt hơn, còn kết qảu không tốt thì cân nhắc việc tăng nhận đơn hàng hay không.
Kế hoạch lãi tăng 20%
Theo kế hoạch kinh doanh 2024, Hội đồng quản trị đề xuất mục tiêu doanh thu thuần 3.707 tỷ đồng và lãi ròng 161 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với thực hiện 2023.
Theo báo cáo 2 tháng đầu năm, công ty dệt may đã ghi nhận hơn 25 triệu USD doanh thu (tức hơn 600 tỷ đồng) và lãi sau thuế 1,65 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng), tăng lần lượt 20% và 40% so với cùng kỳ; thực hiện gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong năm 2023, Dệt may Thành Công chứng kiến nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào, logistics tăng cao khiến kết quả 2023 không đạt mục tiêu đề ra, do đó HĐQT đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận.
Công ty sẽ không trả cổ tức bằng tiền năm 2023 (tỷ lệ 15% lúc đó), thay vào đó đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được thưởng thêm 1 cổ phiếu mới).
Theo đó, Thành Công sẽ phát hành hơn 9,25 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển. Thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 7/2024, thời điểm phát hành cụ thể giao HĐQT quyết định.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, công ty dự kiến trích 20% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ đầu tư phát triển và trình cổ đông chấp thuận kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ dự kiến 12% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình kinh doanh.
Về công tác nhân sự, tổng Giám đốc Jung Sung Kwan đã gửi đơn xin từ nhiệm sau gần 3 năm đảm nhận vai trò này, đồng thời xin rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 vì lý do cá nhân, đã được HĐQT thông qua.
Đến ngày 5/3, công ty thông báo bổ nhiệm ông Song Jae Ho giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của công ty nhiệm kỳ 3 năm (2024-2027). Vị này trước đó đóng vai trò là Giám đốc điều hành từ đầu tháng 12/2023.
HĐQT sẽ trình cổ đông chấp thuận việc từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Jung Sung Kwan theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, xem xét bầu bổ sung tân Tổng Giám đốc Song Jae Ho thay thế vị trí này, theo đề cử và giới thiệu của cổ đông chiến lược E-Land Asia Holdings (sở hữu hơn 47% vốn TCM).
Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua. Ông Song Jae Ho được bầu làm thành viên HĐQT mới.