|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bị cấm bay, Boeing 737 MAX tiêu tốn thêm hàng triệu USD phí lưu kho và bảo trì

19:12 | 27/05/2019
Chia sẻ
Thảm cảnh ngành hàng không sau lệnh cấm bay của 737 MAX: Boeing bị đòi bồi thường hàng loạt, các hãng hàng không đau đầu chi thêm 2.000 USD/tháng để lưu trữ và bảo trì cho từng chiếc máy bay.
Bị cấm bay, Boeing 737 MAX tiêu tốn thêm hàng triệu USD phí lưu kho và bảo trì - Ảnh 1.

Một chiếc Boeing 737 MAX của hãng Southwest (Ảnh: AP)

Chi phí lưu trữ và bảo trì 2.000 USD/tháng cho mỗi chiếc 737 MAX

Trong khoảng thời gian loạt máy bay Boeing 737 MAX còn bị cấm bay, chúng không kiếm ra tiền cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, điều tệ hơn chính là chi phí liên quan đến việc lưu trữ và đỗ máy bay.

Theo Bloomberg, chi phí này lên đến 2.000 USD/tháng cho mỗi chiếc máy bay 737 MAX. Với lệnh cấm bay được đưa ra hồi giữa tháng 3 và qui trình chứng nhận lại ít nhất một tháng nữa mới hoàn thành, các chi phí đang ngày càng chồng chất.

Các vị khách duy nhất mà chiếc 737 MAX nhận được mỗi ngày hiện nay là các kĩ thuật viên - những người ghé qua để lấy mẫu nhiên liệu để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn.

Được lưu trữ trong sa mạc Mojave khô cằn, 34 chiếc máy bay 737 MAX của hãng hàng không Southwest Airlines cần được bảo vệ để chống lại ánh nắng mặt trời, gió và cát.

Bị cấm bay, Boeing 737 MAX tiêu tốn thêm hàng triệu USD phí lưu kho và bảo trì - Ảnh 2.

Nhiều bài đỗ máy bay "than thở" vì hết không gian để lưu trữ máy bay 737 MAX. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, số máy bay này còn phải được niêm phong để tránh chim và côn trùng có thể vào trong buồng càng và cửa hút khí tự động.

Bộ phận cơ khí thuộc hãng Southwest được cho là đã tăng áp quạt turbo, bật máy tính điều khiển bay cũng như tháo và lắp bề mặt kiểm soát chuyến bay như cánh đập vào mỗi tuần.

Đối với một cỗ máy vốn được tạo ra vì mục đích lợi nhuận như 737 MAX, qui trình trên tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc.

Rơi vào thảm cảnh cấm bay chưa đủ, Boeing còn bị các hãng hàng không đòi bồi thường

Các hãng hàng không trên khắp thế giới đã yêu cầu bồi thường. Hai tháng trước, Simple Flying đã viết về quá trình hãng hàng không Na Uy - vốn đang gặp khó khăn về tài chính - yêu cầu bồi thường vì vấn đề trên như thế nào. Gần đây, các hãng hàng không Trung Quốc cũng ráo riết yêu cầu bồi thường.

Boeing phải cân nhắc phản ứng của họ một cách thận trọng bởi gần 500 chiếc 737 MAX trên toàn thế giới đã ngừng bay trong hai tháng qua. Với việc có quá nhiều hãng hàng không tức giận tìm cách trang trải hóa đơn, một thỏa thuận bồi thường sẽ dẫn đến một con số khổng lồ đối với nhà sản xuất máy bay Mỹ.

Nếu Boeing không bồi thường cho khoản doanh thu bị thua lỗ, ít nhất họ có thể chi trả cho phí lưu trữ và bảo trì. Nếu điều đó xảy ra và ước tính 2.000 USD/tháng cho mỗi máy bay là chính xác, Boeing sẽ bị "rút ruột" hàng triệu USD.

Ngoài ra, Boeing còn phải trả một chi phí tương tự cho việc đỗ các chiếc 737 MAX mới xuất xưởng ở Washington, mặc dù hoạt động sản xuất dòng máy bay này đã chững lại.

FAA tiếp tục điều tra, thời gian trở lại của 737 MAX chưa xác định

Như Simple Flying đã đưa tin hồi đầu tuần này, lệnh cấm bay đối với 737 MAX có thể được dỡ bỏ sớm nhất vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, đại diện của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã làm rõ rằng chưa có lịch trình trở lại chính xác cho chiếc 737 MAX.

Trên thực tế, ông Daniel Elwell - quyền quản lí của FAA, đã nói với các phóng viên rằng còn nhiều thử nghiệm cần phải thực hiện trước khi dỡ bỏ lệnh cấm bay, bất chấp áp lực rõ rệt từ các hãng hàng không.

Ông Elwell nói, "Nếu mất một năm để tìm thấy đủ bằng chứng nhằm giúp chúng tôi có đủ tự tin gỡ bỏ lệnh cấm, bạn phải chờ một năm nữa. Chúng tôi sẽ không loại bỏ lệnh cấm cho đến khi 737 MAX đủ an toàn để bay".

Mặc dù áp lực tài chính đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm bay là rõ ràng và rất lớn, việc đảm bảo máy bay tuyệt đối an toàn để cất cánh là điều nên làm. Đây không phải qui trình có thể vội vàng được.

Cho đến lúc đó, Boeing và các hãng hàng không sở hữu máy bay 737 MAX mới sẽ phải tiếp tục chi trả phí lưu trữ và bảo trì. 

Trần Nam Thi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.