|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BHXH, lương tối thiểu - \"chiếc gánh\" ngày càng nặng cho doanh nghiệp

07:40 | 19/12/2016
Chia sẻ
Không thể phủ nhận vai trò của lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc đảm bảo cuộc sống của người lao động và an sinh xã hội, thế nhưng, tăng lương tối thiểu, tăng BHXH phải dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế.
bhxh luong toi thieu chiec ganh ngay cang nang cho doanh nghiep
Minh họa: Võ Văn Bằng

Trong khi Việt Nam là nước có năng suất lao động thấp, lương tối thiểu liên tục tăng và các khoản bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất trong khu vực đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Chi phí liên tục tăng ngoài việc giảm sức cạnh tranh còn ảnh hưởng đến khả năng tồn vong của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Nghịch lý năng suất lao động thấp, lương tối thiểu, BHXH liên tục tăng

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 10/2016 đã tăng lên con số 14.000 tỷ đồng. So với năm 2015, số tiền doanh nghiệp nợ BHXH dù chưa hết năm 2016 đã tăng lên gần 2 lần. Nếu so sánh tỷ lệ tăng nợ BHXH của doanh nghiệp từ năm 2014 đến 2015, có thể thấy nợ BHXH của doanh nghiệp đã tăng đột biến.

Nguyên nhân của việc này, bên cạnh một số doanh nghiệp thiếu ý thức chấp hành trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, có thể thấy, chính sách đóng BHXH thay đổi từ đầu năm nay đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó để cân đối bài toán chi phí.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra gần đây, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/16 Singapore. Việt Nam cũng là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Việt Nam cũng đang có mức đóng BHXH cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và ngay trong khối ASEAN. Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động chi trả 22%, người lao động đóng 10,5%, chưa kể khoản công đoàn phí 2%. Mức đóng này quá cao so với mức đóng BHXH 10% tại Thái Lan, 13% của Malaysia, 10% của Philippines, 8% Indonesia…

Năng suất lao động thấp hơn lương trả cao hơn nhưng lại phải đóng mức BHXH cao gấp nhiều lần, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực đóng BHXH cao gấp nhiều lần so với doanh nghiệp các nước khác, đồng thời khó có được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Theo đại diện nhiều hiệp hội, việc áp dụng mức tăng lương tối thiểu và mức đóng BHXH quá cao như hiện nay là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp, trong tình hình kinh tế chưa ổn định như hiện nay.

Mức đóng BHXH cao đã đành, cách tính tiền lương đóng BHXH theo quy định mới cũng là yếu tố khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt với những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản, xây dựng…

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động (thay vì chỉ đóng dựa trên mức lương như trước đây). Từ 1/1/2018 trở đi, mức đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác.

Cộng thêm với chính sách tăng lương tối thiểu vùng 7,3% dự kiến áp dụng từ đầu năm 2017 vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua vào tháng 8, có thể thấy doanh nghiệp đang đứng trước áp lực rất lớn về bài toán chi phí cần phải đo đếm để trả lương và các chế độ cho người lao động, trước khi nghĩ đến việc đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất.

Cần xem xét lại chính sách BHXH mới và lộ trình áp dụng

Văn phòng giới sử dụng lao động trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết từ đầu năm đến nay, văn phòng đã nhận được rất nhiều kiến nghị của đại diện các hiệp hội về việc nên xem xét lại chính sách tăng lương tối thiểu vùng và mức đóng BHXH mới, đồng thời trì hoãn thời gian áp dụng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Theo chuyên viên của tổ chức này, mức đóng BHXH hiện nay là rất cao so với các nước trong khu vực và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta so với các đối thủ trực tiếp về sản xuất, gia công như Myanmar, Bangladesh.

Đặc biệt, với các ngành thâm dụng nhiều lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, chỉ cần chi phí tăng lên một chút là doanh nghiệp khó có lãi.

Theo Văn phòng giới sử dụng lao động, lương tối thiểu năm 2015 tăng 12,3% nhưng chi phí của doanh nghiệp thực tế tăng hơn 20%. Bên cạnh đó, theo quy định BHXH mới, việc đóng BHXH tính trên toàn bộ thu nhập của người lao động, kể cả các khoản phụ cấp không cố định như các khoản thưởng áp dụng từ 2018, sẽ khiến bộ phận kế toán của doanh nghiệp ôm thêm một khối lượng công việc khổng lồ.

Nêu khó khăn của doanh nghiệp dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, chi phí lương chiếm 60 – 70% chi phí sản xuất của các doanh nghiệp dệt may. Khi chi phí lương tối thiểu, mức đóng BHXH tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng leo thang. Bên cạnh đó, khi các chi phí tăng, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu cũng đã tăng giá, khiến tình hình sản xuất càng thêm khó khăn.

Theo bà Mai, với các doanh nghiệp lớn đảm nhận luôn khâu thiết kế (ODM) có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp tạm thời có thể chống đỡ nổi, tuy nhiên, rất khó để làm ăn có lãi. Với các doanh nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động, đối phó với chính sách lương, BHXH mới trong tình hình giá sản phẩm không thay đổi, năng suất lao động không tăng, việc thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động là điều không tránh khỏi.

Đến nay, 2 hiệp hội là Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số hiệp hội nước ngoài vẫn tiếp tục đề nghị năm 2017 chưa nên tăng lương tối thiểu vùng để giảm bớt khó khăn về chi phí cho các doanh nghiệp.

VITAS còn đề xuất việc tăng lương tối thiểu không nên điều chỉnh liên tục hằng năm như hiện nay, mức đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp 22% xuống 18%. Trước đó, VCCI sau khi lấy ý kiến của các doanh nghiệp cũng đã đề xuất nên giãn lộ trình áp dụng thang lương tối thiểu và BHXH mới đến năm 2020 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong khu vực. Việc tăng lương tối thiểu, thay đổi cách tính BHXH sẽ gia tăng thêm chi phí sản xuất, trong khi năng suất lao động chưa được cải thiện, sẽ là một gánh nặng lớn giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhà nước nên xem xét lại chính sách trong mối tương quan lợi ích của cả 2 bên: chủ sử dụng lao động và người lao động, và nên có lộ trình riêng với những ngành sử dụng nhiều lao động. Nếu không, chính sách tốt đẹp nhưng áp dụng không đúng lúc vô tình lại đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó. Khi doanh nghiệp khó, ắt quyền lợi của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Thiên Toàn