|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bệnh nhân 416 nhiễm COVID-19 tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao

00:06 | 28/07/2020
Chia sẻ
Theo cập nhật sức khoẻ mới nhất của Bệnh viện Đà Nẵng, hai bệnh nhân nặng là 416 và 418 đều có tiên lượng nặng, trong đó bệnh nhân số 416 có nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.
Bệnh nhân 416 nhiễm COVID-19 tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế- Trưởng Tiểu ban Điều trị

Theo thông tin về cuộc hội chẩn quốc gia về việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 chiều nay (27/7) được trích dẫn trên Sức khoẻ & Đời sống, bệnh nhân số 416 và 418 có tiên lượng rất nặng.

Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Đà Nẵng đã cập nhật tình trạng mới nhất của hai trường hợp bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418. Theo đó, bệnh nhân 416, 57 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) - Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - Sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đã được đặt ECMO (ECMO tĩnh mạch - tĩnh mạch, phổi nhân tạo) ngày thứ 4; tiếp tục được lọc máu và thở máy hỗ trợ.

Hiện các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.

Đối với bệnh nhân 418 (nam, 61 tuổi) được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) – trên bệnh nhân Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 – Biến chứng: Suy hô hấp, suy tim – Tổn thương thận cấp, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân 418 nặng hơn bệnh nhân 416 vì tuổi cao, mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân nhiễm toan nặng; tổn thương thận biểu hiện rõ, bạch cầu tăng, cần xem xét thực hiện ECMO.

Các chuyên gia để nghị bệnh nhân được đánh giá về khí máu, bệnh nhân cần cân bằng điện giải, kiềm, toan và cẩn trọng trong vấn đề chỉ định. Bệnh nhân cũng cần xem xét vấn đề về nhiễm nấm…

Đối với bệnh nhân 416, các chuyên gia cũng đề nghị, BV Đà Nẵng làm rõ thông số về huyết động, cấy dịch phế quản xem xét vấn đề nấm, khuẩn tụ cầu và tìm các căn nguyên khác; đánh giá mức độc suy giảm miễn dịch của bệnh nhân để có những điều chỉnh phù hợp.

Hai bệnh nhân này là hai ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau gần 100 ngày không có ca mới trong cộng đồng. Hiện nay, đã phát hiện thêm 11 ca nhiễm COVID-19 mới tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế.

Trúc Minh