Bệnh khảm lá có sức tàn phá lớn đối với cây mì (sắn)
Nông dân tiêu huỷ mì nhiễm bệnh khảm lá (Báo Tây Ninh) |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), bệnh khảm lá mì được phát hiện gây hại lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 5/2017 tại Tây Ninh. Tính đến tháng 10/2018, bệnh khảm lá trên cây sắn đã xuất hiện, gây hại vùng nguyên liệu sắn ở 12 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 41.981 ha/ 224.539 ha và có mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất là tại Tây Ninh với gần 98% diện tích sắn bị nhiễm bệnh.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết đã có nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành cùng nhiều biện pháp tích cực phòng chống nhưng dịch bệnh vẫn cứ lây lan. “Nhìn nhận lại, trong nhận thức từ lãnh đạo địa phương tới nông dân vẫn chưa thống nhất. Cùng với nhiều nguyên nhân khác, các biện pháp phòng chống dịch khảm lá mì rõ ràng chưa quyết liệt mới dẫn đến hậu quả hôm nay”, ông Trung đánh giá.
Các địa phương phải thống nhất nhìn nhận khảm lá mì là căn bệnh nặng và tất cả giống mì từ Tây Ninh là giống đã nhiễm bệnh. Chỉ khi ý thức như thế mới có biện pháp quyết liệt hơn trong quản lý hom giống, tác nhân truyền bệnh cho tới việc khoanh vùng, giám sát lưu hành giống bệnh lây nhiễm giữa các địa phương.
Các tỉnh chưa có diện tích lây nhiễm cũng không thể lơ là, cần nâng cao nhận thức về cây mì và bệnh khảm lá mì từ lãnh đạo tới nông dân. Hệ lụy do dịch bệnh gây ra không chỉ nông dân mà còn hàng trăm nhà máy chế biến xuất khẩu mì (sắn) bị ảnh hưởng.
Tỉnh Tây Ninh đã có Ban chỉ đạo phòng chống khảm lá mì, nay đang tiếp tục hoàn thiện và quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo. Việc xây dựng mô hình trồng mì kháng bệnh trong lòng hồ Dầu Tiếng cần được theo dõi sát sao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Duy Ân cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến tình trạng dịch khảm trên cây sắn lây lan nhanh là do nông dân tiếp tục tái canh cây sắn ngay trên diện tích đất canh tác cũ và mầm bệnh giống cây từ vụ trước chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, việc vận động người dân tiêu hủy sắn bị nhiễm khảm lá trên 70% gần như không có kết quả, vì mức hỗ trợ cho ngành nông nghiệp hiện nay là quá thấp (chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khi tiêu hủy) so với mức vốn người dân đã bỏ ra là hơn 30 triệu đồng/ha.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt và các Trung tâm nghiên cứu giống, phải đánh giá lại tính kháng của các giống mì hiện đang sản xuất. Ưu tiên số một là phải tìm giống kháng bệnh. Bộ NN&PTNT cũng sẽ trực tiếp tham gia và coi đây là giải pháp căn cơ lâu dài.
Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phải gắn với trung tâm từ các tỉnh, huyện cùng bàn biện pháp quản lý, hạn chế lây lan, dập dịch. Ưu tiên ngay cho việc tuyên truyền khuyến nông, kể cả tổ chức Diễn đàn khuyến nông. Trung tâm này phải tập trung kinh phí tuyên truyền phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng phải vận động các doanh nghiệp tích cực vào cuộc, chia sẻ trách nhiệm để bảo vệ vùng nguyên liệu cho sản xuất.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện việc dập dịch, tuyệt đối không được sử dụng lại các loại giống sắn có mầm bệnh để tái sản xuất; tổ chức rà soát và kiểm soát chặt chẽ nguồn giống trong thời gian sắp tới. Cụ thể, những đồng sắn bị nhiễm nặng phải vận động người dân tiêu hủy để xử lý nguồn bệnh, tránh lây lan ra diện rộng; đồng thời, tạm thời chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các diện tích đất nhiễm bệnh, để xử lý triệt để nguồn dịch bệnh còn lưu trên đất.
Đối với các địa phương có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá cần nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá trên cây sắn các cấp để chỉ đạo, giám sát quyết liệt các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc; hướng dẫn nông dân, người sản xuất khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc dập dịch và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để.
Xem thêm |