Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc gặp khó
Giá sắn tiếp tục ổn định dù Trung Quốc giảm nhu cầu? |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương), trong tháng 7, giá sắn nguyên liệu và sắn lát nhà máy thu mua giảm do đầu ra xuất khẩu khó khăn.
Hiện nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc yếu do nhiều nhà máy nghỉ vụ sản xuất vì bị kiểm tra về môi trường. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc gặp khó |
Được biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam trong tháng 6, chiếm 91% lượng sắn xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn sang thị trường này trong tháng 6 chỉ đạt 126.550 tấn, trị giá 64,13 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với tháng 5.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu 220.000 tấn sắn, trị giá 55,83 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và giảm 33% về trị giá so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 3,26 triệu tấn sắn, trị giá 758,68 triệu USD, giảm 23,7% về lượng, nhưng tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay, nguồn sắn lát tồn kho của Việt Nam còn khoảng 150.000 tấn. Mặc dù thị trường tại Trung Quốc phục hồi trở lại, nhưng chào giá xuất khẩu mặt hàng sắn lát vẫn có xu hướng giảm theo đà giảm giá từ Thái Lan.
Hiện các nhà máy Việt Nam chào giá xuất khẩu giảm từ 10 - 20 USD/tấn FOB cảng TP HCM so với đầu tháng 7. Tại Tây Ninh, nguồn cung sắn trong vùng tăng, giá mua vào của các nhà máy được điều chỉnh giảm về mức 2.700 đồng/kg, giảm từ 400 - 600 đồng/kg so với cuối tháng 6.
Cục Xuất Nhập khẩu dự báo tháng 8, giá xuất khẩu sắn lát có thể hồi phục do giá cồn từ sắn tại Trung Quốc tăng trở lại, tồn kho sắn lát của Trung Quốc thấp. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao do hiện nay Trung Quốc còn lượng ngô tồn kho cao trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp khó khăn. Lượng ngô tồn kho này đang được Trung Quốc chuyển sang sản xuất ethanol.
Theo ước tính, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu tháng 7 đạt 150.00 tấn, trị giá 72 triệu USD, nâng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên 1,62 triệu tấn, trị giá 615 triệu USD, giảm 28,6% về lượng, nhưng tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Xem thêm |