|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Huyện M’Đrắk: Diện tích sắn lớn nhưng chất lượng chưa cao

19:49 | 22/10/2018
Chia sẻ
Mặc dù diện tích sắn tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk lớn và không ngừng mở rộng nhưng năng suất không cao chỉ đạt trên 25 tấn/ha năm 2017 và 34 tấn/ha năm 2018. Thậm chí ở những khu vực trồng sắn ba vụ liên tiếp trở lên, năng suất chỉ đạt 15 - 20 tấn/ha.
huyen mdrak dien tich san lon nhung chat luong chua cao Ngành sắn Việt Nam với mục tiêu 2 tỉ USD

Theo Báo Đắk Lắk, cây sắn được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk với diện tích bình quân hằng năm trên 5.000 ha, đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh quyết định đầu tư hai nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua, các nhà máy này phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào.

huyen mdrak dien tich san lon nhung chat luong chua cao
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 9 nhưng chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế.

Trên thực tế, mặc dù diện tích sắn tại huyện M’Đrắk lớn và không ngừng mở rộng nhưng năng suất không cao chỉ đạt trên 25 tấn/ha (năm 2017) và 34 tấn/ha (năm 2018). Thậm chí ở những khu vực trồng sắn ba vụ liên tiếp trở lên, năng suất chỉ đạt 15 - 20 tấn/ha.

Không chỉ năng suất thấp, giá bán củ sắn truyền thống cũng thấp bởi trữ bột kém, có thời điểm giá sắn chỉ từ 1.380 đồng/kg tươi (loại 30% trữ bột), thiếu 1% trữ bột giá hạ xuống còn khoảng 1.000 đồng/kg (thời điểm tháng 5-2017), tức là giảm 300 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này, người nông dân gần như không có lãi.

Ông Bùi Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Cư Mta, huyện M’Đrắk hầu hết diện tích sắn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do không mất chi phí giống nên bà con không chú trọng đến việc lựa chọn giống mới, năng suất cao thay thế cho các giống sắn cũ.

Bên cạnh đó, người dân lại trồng trên đất nghèo kiệt về dinh dưỡng, chưa được đầu tư chăm sóc, bón phân, làm cỏ nên năng suất không ổn định, phổ biến chỉ đạt từ 15 - 25 tấn/ha. Ngoài ra, nhiều hộ nóng vội, thu hoạch sắn non nên thường bị thường bị thương lái ép giá.

Năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các xã Krông Á và Krông Jing, mỗi nhà máy có công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, lần lượt đi vào hoạt động vào cuối 2016 và đầu 2017.

Tuy nhiên từ đầu tháng 5/2018, hai nhà máy này đều phải tạm dừng hoạt động dài hạn, còn trước đó cũng chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu nguyên liệu.

Ngành Nông nghiệp huyện M’Đrắk đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tổ chức cho bảy nông dân các xã Krông Á, Krông Jing và Cư Mta đi tham quan mô hình trồng sắn theo phương pháp mới (lên luống và đặt hom trồng đứng) tại tỉnh Gia Lai.

Đồng thời, phối hợp với Dự án trồng sắn Trường Đại học Tây Nguyên và Nhà máy sắn Khánh Dương tổ chức tọa đàm về sản xuất kinh doanh cây sắn cho 125 nông dân các xã và thị trấn tham gia; xây dựng các mô hình trồng sắn giống cao sản... Tuy nhiên, việc thực hiện nhìn chung mới ở dạng mô hình, chưa phát triển quy mô rộng.

Xem thêm

Đức Quỳnh