Becamex nợ BIDV gần 9.628 tỷ đồng
Nửa đầu năm 2018, Tổng công ty Đầu tư và phát triển khu công nghiệp (Becamex IDC) báo doanh thu thuần 3.025 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ năm 2017 nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản khởi sắc. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh lên 983 tỷ đồng trong khi năm trước đó còn báo lỗ.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Becamex giai đoạn này chính là các khoản vay nợ ngày càng gần kề thời gian đáo hạn. Chi phí tài chính trong vòng chưa đầy 6 tháng đầu năm (tính từ 1/2 đến 30/6) lên tới 348 tỷ đồng và hầu hết là lãi vay.
Nợ phải trả cuối kỳ 40.885 tỷ đồng, gấp 3,2 lần vốn chủ, bao gồm 22.867 tỷ đồng vay nợ ngắn, dài hạn (tương đương gần 1 tỷ USD).
Phát sinh các khoản vay trong 6 tháng đầu năm (VNĐ) |
Trong đó, tổng giá trị các khoản nợ ngắn hạn 8.253 tỷ đồng thì có tới 4.797 tỷ đồng là vay ngắn hạn ngân hàng. Khoản vay lớn nhất của Becamex là từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bình Dương trị giá 4.147 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền kinh doanh khai thác các dự án khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2 & 3; quyền sử dụng đất trong thành phố mới Bình Dương và nhiều khu vực khác tại tỉnh Bình Dương.
Các khoản vay khác gồm có từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) chi nhánh Bình Dương 191 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) 151 tỷ đồng, BIDV chi nhánh Mỹ Phước gần 100 tỷ đồng… Cùng với đó, các khoản vay dài hạn đến hạn trả giá trị gần 800 tỷ đồng.
Giá trị trái phiếu thường đến hạn trả là 2.538 tỷ đồng, so với hồi đầu năm không thay đổi. Báo cáo cho thấy, trái phiếu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đồng Nai trị giá 2.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn cuối năm nay còn lại là các khoản vay trái phiếu dưới 100 tỷ đồng.
Cũng giống như vay ngắn hạn, tài sản đảm bảo của các khoản vay trái phiếu đều là quyền sử dụng đất lên tới hàng trăm nghìn m2 tại Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương (Ảnh: Zing) |
Giá trị các khoản vay dài hạn cuối kỳ là 14.613 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm, bao gồm 4.059 tỷ đồng vay các ngân hàng và trên 10.341 tỷ đồng trái phiếu.
Trong nửa đầu năm nay, xuất hiện thêm khoản vay từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Nguyễn Văn Trỗi giá trị 1.750 tỷ đồng trên tổng hạn mức 1.948 tỷ đồng, thời hạn vay 10 năm tính từ 15/6/2018. Khoản vay tại ACB được đảm bảo bằng 42 bất động sản tại Bình Dương giá trị trên 2.600 tỷ đồng.
Cùng với đó nhiều khoản vay dài hạn tại các ngân hàng khác cũng gia tăng về giá trị, các khoản vay lớn gồm có BIDV Bình Dương 902 tỷ đồng; Ngân hàng China Construction Bank Corporation (chi nhánh TP HCM) 725 tỷ đồng đáo hạn năm 2022; vay Ngân hàng VietinBank Đồng Nai 367 tỷ đồng đáo hạn năm 2020, ngoài ra còn có quỹ Đầu tư và Phát triển Bình Dương 213 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, Becamex IDC sử dụng, quản lý 77,2 triệu m2 đất trong đó có 38 dự án khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư với tổng diện tích 39,64 triệu m2; 5 dự án Khu công nghiệp, tổng diện tích 29,65 triệu m2. 11 khu đất đang quản lý làm văn phòng, kho bãi tổng diện tích 153.000 m2; 17 khu đất chuẩn bị triển khai thực hiện dự án với tổng diện tích 7,77 triệu m2. Tất cả khu đất của Becamex đều tại Bình Dương, không có diện tích ở các tỉnh khác. Còn chưa kể, tính đến thời điểm 30/11/2016, tổng diễn tích đất khu công nghiệp của Becamex các công ty thành viên là 10.456 ha, chiếm 11,39% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam. |
Đối với trái phiếu dài hạn, các khoản vay lớn gồm có BIDV Bình Dương 3.000 tỷ đồng (đáo hạn giai đoạn 2019 – 2020); trái phiếu Maritime Bank 1.400 tỷ đồng (đáo hạn năm 2019); một khoản vay trái phiếu khác của BIDV Bình Dương giá trị 1.080 tỷ đồng (đáo hạn năm 2020). Ngoài ra còn nhiều khoản vay trái phiếu từ các đơn vị khác giá trị dao động trong khoảng vài trăm tỷ đồng… như đã nói, phần lớn được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất.
Theo quan sát của chúng tôi, BIDV chính là ngân hàng có tần suất và giá trị cho vay đối với Becamex là lớn nhất. Dư nợ tính đến cuối tháng 6/2018 khoảng 9.628 tỷ đồng, chiếm tới 42% tổng dư nợ toàn công ty bao gồm cả vay ngắn, dài hạn và trái phiếu. Phần còn lại được chia cho nhiều ngân hàng khác nhau, cơ cấu khá cân bằng.
Xét về kỳ hạn thanh toán các khoản vay, trong vòng một năm tới Becamex sẽ phải lo trả nợ 3.337 tỷ đồng tiền vay ngân hàng và trái phiếu; trong giai đoạn từ 1 – 5 năm giá trị nợ vay phải trả là 14.317 tỷ đồng, giai đoạn sau đó áp lực sẽ được giảm bớt đi nhiều.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là, Becamex sẽ lấy tiền đâu để có thể trả nợ khi đến hạn?
BM tổng hợp |
Kỳ hạn các khoản vay trong thời gian tới của Becamex (VNĐ) |
Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, Becamex dự kiến tăng vốn thêm 2.670 tỷ đồng, đạt con số 13.170 tỷ đồng. Nhưng kế hoạch lợi nhuận của Becamex IDC lại tỏ ra khiêm tốn, nhất là khi đem so với những gì làm được trước năm 2015.
Lợi nhuận mục tiêu năm 2018 chỉ 288 tỷ đồng hiện đã vượt xa, năm 2019 công ty cũng chỉ đặt mục tiêu lãi sau thuế chưa đầy 350 tỷ đồng.
Becamex đang cần những biện pháp hợp lý để có thể tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn khi mà nguồn thu từ các dự án lớn như Thành phố mới Bình Dương (10 tỷ USD) chưa biết đến khi nào mới cho quả ngọt.
Chưa kể, nhằm thực hiện các dự án đang dang dở, Becamex cũng sẽ tiến hành đầu tư mạnh tay trong giai đoạn sắp tới. Cụ thể, đến năm 2019, tổng mức đầu tư được nâng lên 13.550 tỷ đồng trong năm, trong đó 50% là vốn vay ngân hàng vào khoảng gần 7.000 tỷ đồng, còn lại 2.700 đồng vốn tự có và hơn 4.000 tỷ đồng ứng của nhà đầu tư. Việc tiếp tục vay thêm sẽ làm ngày càng xấu đi các chỉ số phản ánh nợ của công ty, cục nợ đối với Chaebol đất Bình Dương vì thế sẽ ngày một phình to.
Dự án Thành phố mới Bình Dương theo quy hoạch có tổng diện tích 1.000 ha, được kỳ vọng đủ khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chỉ thu hút được lượng nhỏ người dân đến sinh sống. Ngoài khu vực đặt trụ sở trung tâm hành chính khá nhộn nhịp khi người dân đến làm việc, những khu vực xung quanh đều thưa thớt hoang vắng hoặc bị bỏ dở nhiều năm. Theo phản ánh của báo chí về dự án Thành phố mới Bình Dương, phần lớn khách hàng không ưa chuộng đất ở đây do thiếu các dịch vụ phụ trợ. Thậm chí giá bất động sản bị đẩy lên cao so với giá trị thực cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm. |