Becamex lãi hơn 1.400 tỉ đồng sau 9 tháng, gấp 2,5 lần kế hoạch năm
Trong quý III, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – Mã: BCM) đạt doanh thu thuần 2.081 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp 27,5%.
Chi phí tài chính 166 tỉ đồng chủ yếu là lãi vay, chi phí bán hàng 130 tỉ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 99 tỉ. Cộng thêm khoản lãi từ công ly liên doanh, liên kết 248 tỉ đồng; Becamex IDC lãi 422 tỉ đồng sau thuế.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Becamex đạt doanh thu 5.106 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.406 tỉ đồng. Các khoản mục đáng chú ý gồm lãi từ công ty liên doanh liên kết 722 tỉ đồng, doanh thu khác 430 tỉ đồng và chi phí khác 424 tỉ đồng. Như vậy công ty đã vượt 19% kế hoạch doanh thu và 147% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2018.
Cơ cấu doanh thu của Becamex chủ yếu đền từ hoạt động kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư (chiếm trên 70%), bên cạnh đó nguồn doanh thu khác đến từ bán hàng hóa và thu bán vé cầu đường…
Cơ cấu chi phí theo yếu tố, trong kỳ Becamex chi 205 tỉ đồng cho nguyên vật liệu, 142 tỉ đồng cho nhân công, phần chiếm tỉ trọng cao nhất là chi phí mua ngoài 791 tỉ đồng (chiếm 69%).
Tổng tài sản tính đến cuối quý III của Becamex đạt 53.666 tỉ đồng gồm tiền mặt và tiền gửi 3.223 tỉ đồng. Hàng tồn kho 27.652 tỉ đồng là các dự án đang thực hiện dở dang. Đối với tài sản dài hạn, thay đổi nhiều nhất so với đầu năm đến từ bất động sản đầu tư; chi phí kinh doanh dở dang dài hạn. Becamex cũng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 9.449 tỉ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ 40.727 tỉ đồng, gấp 3,15 lần vốn chủ; trong đó vay ngắn hạn 8.020 tỉ đồng (giảm hơn 440 tỉ đồng so với đầu năm), vay dài hạn 14.252 tỉ đồng (lại tăng thêm hơn 1.000 tỉ đồng).
Cơ cấu nợ ngắn hạn của Becamex tính đến hết 30/9 (Đơn vị: Tỉ đồng) |
Cơ cấu nợ dài hạn của Becamex tính đến hết 30/9 (Đơn vị: Tỉ đồng) |
Theo thống kê của chúng tôi, riêng ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam cho vay Becamex IDC tổng cộng 8.160 tỉ đồng cả ngắn dài hạn (chiếm 36,6% tổng giá trị các khoản vay).
Becamex IDC vốn điều lệ 13.170 tỉ đồng, thường được gọi là “Chaebol đất Bình Dương” và là chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) lớn nhất Việt Nam.
Becamex sở hữu hơn 34.000 ha đất và là doanh nghiệp có diện tích đất khu công nghiệp lớn nhất cả nước. 14 khu công nghiệp của Becamex có tổng diện tích xấp xỉ 10.500 ha, chiếm 11,4% tổng diện tích đất KCN Việt Nam. Quy mô hạ tầng KCN của Becamex cũng lớn gấp 1,5 lần so với Tổng công ty IDICO, doanh nghiệp xếp hàng thứ 2. Diện tích đất KCN còn có thể cho thuê là 2.085 ha đủ cho Becamex phát triển trong 5 năm tới.
Riêng tại Bình Dương, Becamex có 3 KCN nằm trên quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh đi Tây Nguyên. Ngoài ra, Becamex dự kiến phát triển thêm 3 KCN mới ở Bình Dương với tổng diện tích 1.800 ha trong thời gian sau cổ phần hóa.
Liên doanh VSIP là liên doanh giữa Becamex (49% cổ phần) với các nhà đầu tư Singapore mà dẫn đầu là tập đoàn Semb Corp (51%). Đến nay hệ thống KCN VSIP đã phát triển ở nhiều tỉnh: Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương. Hệ thống khu công nghiệp VSIP thu hút trên 660 dự án với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD. Hằng năm Becamex được thu được khoảng 400-600 tỷ lợi nhuận từ liên doanh này.
Hồi đầu năm, Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC đã cùng nhau thành lập liên doanh là CTCP Phát triển công nghiệp BW với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 200 triệu USD, đầu tư trong lĩnh vực BĐS công nghiệp và dịch vụ hậu cần.