|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Becamex IDC: Lãi 6 tháng tương đương 1% tài sản

17:56 | 01/08/2024
Chia sẻ
Cộng cả khoản lợi nhuận lớn đều đặn từ công ty liên doanh, liên kết thì lợi nhuận đạt được mỗi năm của Becamex IDC chỉ tương đương 3 - 6% tổng tài sản, riêng tỷ lệ này trong nửa đầu năm chưa đến 1%.

Liên doanh, liên kết góp hơn 455 tỷ lợi nhuận trong quý

Lợi nhuận quý II của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC: Mã: BCM) tăng trưởng cao nhờ phần lãi đóng góp từ các công ty liên doanh, liên kết.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý giảm 10% so với cùng kỳ về 1.162 tỷ đồng. Mảng kinh doanh bất động sản đóng góp hơn 700 tỷ đồng, kế đến là mảng dịch vụ đóng góp gần 300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty có hơn 120 tỷ đồng lợi nhuận hợp tác kinh doanh, được hạch toán vào doanh thu tài chính. Chi phí lãi vay tiếp tục tăng lên hơn 370 tỷ đồng, nhưng tiền lãi vay thực tế mà công ty đã trả hơn 500 tỷ đồng, trên tổng dư nợ vay hơn 21.000 tỷ.

Tổng kết 6 tháng đầu năm nay, Becamex IDC đạt 1.974 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 500 tỷ đồng lãi ròng, tăng 5% về doanh thu và gấp gần 3 lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công ty liên doanh, liên kết đóng góp hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận.

 

 

 

Becamex IDC là một trong ba doanh nghiệp bất động sản (bên cạnh Vinhomes - VHM và Vincom Retail - Mã: VRE) nằm trong rổ VN-30 gồm các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Tổng tài sản của Becamex IDC cũng thuộc top ngành bất động sản, chỉ sau Novaland - NVL và Vinhomes.

Trong khi đó, cộng cả khoản lợi nhuận lớn đều đặn từ công ty liên doanh, liên kết thì lợi nhuận đạt được mỗi năm của Becamex IDC chỉ tương đương 3 - 6% tổng tài sản, riêng tỷ lệ này trong nửa đầu năm chưa đến 1%.

Hiện công ty có 15 công ty liên doanh, liên kết được hạch toán vào BCTC hợp nhất với tổng giá trị đầu tư trên 18.700 tỷ, tương đương 34% tổng giá trị tài sản. 4 công ty có giá trị đầu tư lớn nhất gồm: VSIP (trên 6.880 tỷ), BW Industrial (3.627 tỷ), Becamex Tokyu (2.990 tỷ), Becamex IJC (2.360 tỷ).

Thuyết minh cho thấy trong kỳ Becamex IJC có hơn 1.240 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gấp 4 lần cùng kỳ nhưng đồng thời Becamex IDC phải thu hơn 1.400 tỷ từ đơn vị này.

 

Tài sản vượt 55.000 tỷ,dư nợ trái phiếu hơn 12.400 tỷ 

Quy mô tài sản của Becamex IDC tiếp tục được mở rộng, vượt 55.000 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tồn kho với giá trị trên 20.600 tỷ, kế đến là các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 18.700 tỷ, phải thu hơn 5.800 tỷ, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 2.360 tỷ.

Ngoại trừ các dự án được ở hạng mục tồn kho nhưng không được thuyết minh cụ thể, danh mục bất động sản đầu tư của Becamex IDC còn có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex (hơn 2.000 tỷ), tòa nhà Becamex Tower (hơn 400 tỷ), Khách sạn Becamex (hơn 140 tỷ), Nhà ở xã hội (khoảng 75 tỷ)…

Ba dự án khác nằm trong danh mục đầu tư dài hạn của công ty gồm dự án Hòa Lợi (hơn 1.400 tỷ), TDC Plaza (hơn 520 tỷ), Unitown giai đoạn 2 (370 tỷ).

 

Nợ phải trả tiếp tục tăng và vượt 35.200 tỷ đồng. trong đó, tổng dư nợ vay chiếm gần 21.300 tỷ. Nửa đầu năm nay, công ty đã vay mới 3.750 tỷ, trả nợ gốc gần 2.200 tỷ và hơn 1.100 tỷ đồng lãi vay.

Các khoản vay tín dụng giá trị lớn gồm hơn 3.900 tỷ tại BIDV chi nhánh Bình Dương, hơn 1.600 tỷ tại VietinBank chi nhánh Đồng Nai, 1.160 tỷ tại MSB chi nhánh TP HCM, gần 770 tỷ tại ACB chi nhánh Nguyễn Văn Trỗi, hơn 580 tỷ tại VIB…

 

Công ty còn dư nợ trái phiếu hơn 12.400 tỷ đồng. Các trái chủ gồm CTCP Chứng khoán Navibank 4.700 tỷ, CTCP Chứng khoán SmartInvest 4.000 tỷ, CTCP Chứng khoán EuroCapital 1.300 tỷ, BIDV 1.200 tỷ, MBS 800 tỷ, VietinBank chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa 400 tỷ.

Khoản mục kế tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ là chi phí trích trước tạm tính giá vốn các dự án bất động sản đã bán với hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 400 tỷ so với đầu năm.

Ngoài ra, công ty đã huy động vốn từ khách hàng trên 1.400 tỷ đồng, tăng 90 tỷ so với đầu năm.

 

Khoản 1 Điều 89 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán, trong đó đề cập doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, khi chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã phát sinh doanh thu nhượng bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán.

Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán.

Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điểu chỉnh giảm giá vốn hàng bán của kỳ thực hiện quyết toán.

Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ theo ba nguyên tắc bên dưới.

Thứ nhất, doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.

Thứ hai, doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.

Cuối cùng, số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).

Nguyên Ngọc