|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS nghỉ dưỡng 2019 được đánh giá nhiều tiềm năng, các DN làm ăn ra sao?

07:18 | 29/01/2020
Chia sẻ
Bất động sản nghỉ dưỡng đang được đánh giá nhiều tiềm năng và là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS năm 2019. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này liệu có ấn tượng?

Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng chững lại từ giữa năm 2018 nhưng bước sang năm 2019 phân khúc này lại trở thành điểm sáng trong bức tranh ảm đảm của thị trường. Đây cũng là một phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

photo-20-15667920338491404449874-crop-1566792733262107540872

Thị trường bất động sản năm 2019 được đánh giá đang rơi vào giai đoạn trầm lắng khi nguồn cung liên tục sụt giảm nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được coi là điểm sáng trên thị trường. (Ảnh: Zing News)

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.

Thời gian qua, ngành du lịch của Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm 2018.

Theo thống kê của CBRE, tính đến hết quí III/2019, cả nước có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4 sao và 5 sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91,236 phòng. Sự cải thiện về hệ thống cơ sở hạ tầng đã tạo sức bật cho nhiều thành phố du lịch trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, hai sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện tại là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đều có kế hoạch tăng cường lượng khách lên đến 50 triệu (đối với sân bay Nội Bài sau năm 2030 và đối với sân bay Tân Sơn Nhất sau năm 2025).

Các dự án đầu tư trọng điểm trong những năm tiếp theo bao gồm: xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất; xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại các Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HKQT Vinh, Cảng HKQT Phú Bài; triển khai đầu tư các dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các Cảng hàng không có tần suất khai thác cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài.

Bàn về xu hướng tương lai của thị trường BĐS nghỉ dưỡng VN, ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành CBRE Hotels Châu Á – Thái Bình Dương nhận định: "Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, các CĐT BĐS nghỉ dưỡng tại VN sẽ phải đa dạng hóa thị trường, cân nhắc cả những địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Nam Hội An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như đa dạng hóa loại hình sản phẩm và chuyên nghiệp hóa công tác quản lí vận hành".

Mảng BĐS nghỉ dưỡng có đem lại nguồn thu ổn định cho DN?

Nhận thấy nhiều tiềm năng, thời gian gần đây, "cuộc đua" BĐS nghỉ dưỡng đang chứng kiến sự tham gia của cả doanh nghiệp truyền thống lẫn một số tên tuổi mới. Trong đó phải kể đến một số "ông lớn" như Vingroup, Sun Group, BIM Group, FLC.

Đại diện cho các ông lớn BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam có hai doanh nghiệp lớn đã niêm yết là Vingroup và Sun Group. Song, liệu lĩnh vực này có đem lại nguồn thu ổn định cho các doanh nghiệp?

Nghỉ dưỡng

Tương quan tổng doanh thu và doanh thu mảng BĐS (riêng FLC bao gồm cả doanh thu bán hàng hóa) của 3 doanh nghiệp niêm yết đang đầu tư mạnh vào BĐS nghỉ dưỡng. (Ảnh: Hà Lê tổng hợp - đơn vị: tỉ đồng)

Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) là một trong  những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận đối với BĐS nghỉ dưỡng.

Hiện nay, VIC đang có 34 dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng với gần 13.000 phòng và biệt thự, có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành và các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,...

Hầu hết các dự án đã đi vào hoạt động, có thể kể đến một số dự án nổi bật như Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Đà Nẵng, Vinpearl Nam Hội An, Vinpearl Nha Trang,…

Về kết quả kinh doanh, hết 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup ghi nhận gần 92.600 tỉ đồng (xấp xỉ 4 tỉ USD), tăng 10% so với cùng kì. Trong đó, mảng bất động sản đóng góp 49.500 tỉ đồng (chiếm 53% tổng doanh thu)

Riêng trong quí III, tổng doanh thu thuần của VIC đạt 31.571 tỉ đồng – tăng 35% so với cùng kì, LNST đạt 712 tỉ đồng.

Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí đạt 2.600 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước. Trong khi đó, hồi tháng 5/2018, trong lần đầu công bố, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vinpearl (thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đạt những con số khá ấn tượng.

Cụ thể, hết năm 2018, tổng doanh thu của công ty này đạt 18.300 tỉ đồng (lĩnh vực cung cấp dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đóng góp 33,9% doanh thu), lợi nhuận sau thuế đạt 366 tỉ đồng.

Năm 2019, Vinpearl (công ty mẹ) đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.148,5 tỉ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2018 nhưng mục tiêu LNST tăng tới gần 200% lên 1.044 tỉ đồng. Với kế hoạch này, chứng tỏ Vinpearl khá tự tin vào việc khai thác lợi nhuận từ các dự án nghỉ dưỡng của mình.

Cũng là một doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực BĐS, hầu hết các dự án của Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đều thuộc lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. FLC hiện đang có 12 dự án BĐS nghỉ dưỡng đã triển khai và đang được giới thiệu, nằm chủ yếu ở các tỉnh miền Trung.

Trong đó, có một số dự án đã đi vào khai thác như FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), FLC Hạ Long (Quảng Ninh), FLC Quy Nhơn (Bình Định),… Nhẩm qua qui mô mà FLC đã và dự kiến rót vào các dự án nổi bật, con số đã lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019, Tập đoàn FLC đạt doanh thu thuần 5.190 tỉ đồng, tăng 119% so với quí III/2018. LNST đạt gần 64,5 tỉ đồng, giảm 22,7% so với cùng kì năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng quí III đạt 1,2%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC ghi nhận doanh thu thuần 11.411 tỉ đồng, tăng gần 50% so với 9 tháng đầu năm 2018, lãi sau thuế 89 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa và bất động sản đạt 8.651 tỉ đồng (chiếm gần 76% tổng doanh thu) , tăng 20% so với cùng kì.

Được biết, FLC cũng đang có kế hoạch triển khai tiếp loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng khác ở các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh,…

So với Vingroup và FLC thì Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) là một doanh nghiệp đi sau trong lĩnh BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, những năm gần đây, CEO Group cũng gặt hái được không ít thành công nhờ mảng này.

Tính tới thời điểm hiện nay, CEO Group đang sở hữu 9 dự án BĐS nghỉ dưỡng với qui mô tương đối lớn. Có thể kể đến một số dự án lớn đã đưa vào sử dụng như Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort và khu biệt thự nghỉ dưỡng Novotel Villas.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đạt doanh thu 3.166 tỉ đồng, doanh thu kinh doanh BĐS đạt 2.612 tỉ đồng (chiếm 82% tổng doanh thu), LNST đạt 435,3 tỉ đồng; hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2019.

Trong khi đó, hết năm 2018, doanh thu của CEO chỉ đạt hơn 2.246 tỉ đồng, LNST đạt hơn 372 tỉ đồng. Chứng tỏ, bước sang năm 2019, nhờ tập trung vào mảng BĐS nghỉ dưỡng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã tăng trưởng tốt hơn.

Riêng trong quí III/2019, CEO đạt 643 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kì năm trước. Trong đó, phần lớn là doanh thu kinh doanh BĐS (chiếm khoảng 75%).

Những dự án đem lại nguồn thu chính cho CEO Group vẫn là Sonasea Villas & Resort (Kiên Giang), Best Western Premier Sonasea Phu Quoc (Kiên Giang), khu đô thị River Silk City (Hà Nam), khu đô thị Sunny Garden City (Hà Nội), Tháp văn phòng cho thuê CEO (Phạm Hùng – Hà Nội)…

Hiện CEO Group đang tập trung nguồn lực triển khai xây siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City. Ngoài ra, dự án Green Hotel & Resort và hạng mục Sonasea Vân Đồn Complex – khu nghỉ dưỡng qui mô hơn 1000 phòng được vận hành bởi Accor cũng đang được triển khai…

Hà Lê