|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản vẫn trông đợi vào giai đoạn thực thi chính sách

14:54 | 14/08/2023
Chia sẻ
Thị trường bất động sản vẫn đang chờ đợi những kết quả tích cực hơn nhờ sự hợp lực của các chính sách tháo gỡ khó khăn về pháp lý và chính sách tiền tệ.

(Ảnh minh họa).

Sự vào cuộc của Chính phủ được đánh giá là khá kịp thời nhưng đến nay thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi được như kỳ vọng. Để lý giải cho thực trạng này, một trong những nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là do “độ trễ chính sách”. Và thị trường phải mất ít nhất khoảng 6 tháng để thẩm thấu.

Thực tế, báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều dự án bất động sản đã được gỡ vướng pháp lý. Tuy nhiên, đa số mới dừng lại ở bước chủ trương, còn việc thực thi vẫn chậm và chỉ có rất ít dự án tái khởi động sau quãng thời gian dài nằm chờ tháo gỡ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn phía Nam chia sẻ, các dự án của doanh nghiệp đến nay căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ.

Tuy nhiên, vị này tiếp tục kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nửa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian nhất định ngắn. Đồng thời kiến nghị Chính phủ làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,…

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.

Vị này cũng kiến nghị, trong ngắn hạn các ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản... tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Báo cáo tổng hợp mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại TP Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án,...Qua đó xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng.

Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay TP Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), hiện Thành phố đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

Tại Đồng Nai, Tổ công tác đã trực tiếp đã làm việc trực tiếp để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với 7 dự án bất động sản lớn trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh,... xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các Sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,…

Chờ tín hiệu đảo chiều rõ nét hơn

Nửa đầu năm 2023 là giai đoạn rất nhiều văn bản chính sách được ban hành/sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp phù hợp để phục hồi thị trường bất động sản. Kỳ vọng giai đoạn nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục là giai đoạn thực thi chính sách và giải quyết dứt điểm các khó khăn pháp lý mà các doanh nghiệp địa ốc đang gặp phải.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Theo đó, Thủ tướng đánh giá, việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý và các giải pháp thúc đẩy thị trường vừa qua đã có hiệu quả nhất định, giúp cho tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước;… nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm, việc giải quyết tháo gỡ cần có thời gian và giải pháp kịp thời phù hợp.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh và nhanh hơn nữa công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây lãng phí thời gian công sức và tiền của cho nhân dân theo thẩm quyền.

Đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ (NHNN), Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn. Tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.

Các giải pháp này vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay; rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà; có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng,... 

H.L