|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bất chấp tài sản ròng sụt giảm, Chủ tịch Samsung vẫn giữ vững ngôi vị người giàu thứ hai Hàn Quốc

14:53 | 18/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, hay "thái tử" Samsung, vẫn là người giàu thứ hai Hàn Quốc năm 2023 dù ông lớn công nghệ xứ Hàn đã trải qua một năm khó khăn khi nhu cầu chip nhớ lao dốc, qua đó khiến tài sản ròng của ông sụt giảm.

Đối với ông Lee Jae-yong, năm 2022 là một bước ngoặt lớn, thời điểm chứng kiến ông lên nắm quyền điều hành gã khổng lồ điện tử và công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronics sau nhiều năm đấu tranh pháp lý, ngồi tù và được tổng thống ân xá, theo tạp chí Forbes.

Động thái này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới khi nhu cầu về chất bán dẫn giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng cũng như ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như xung đột tại Ukraine, người dùng thắt chặt chi tiêu,…

Lợi nhuận từ hoạt động trong năm 2022 của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đã giảm 16% so với năm trước, xuống mức 43.400 tỷ won (32,9 tỷ USD) do nhu cầu về chất bán dẫn suy yếu nhanh hơn dự kiến, giảm gần 70% chỉ trong quý IV/2022, theo hồ sơ được công ty công bố vào ngày 31/1.

Giá trị tài sản ròng của 10 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2023. (Nguồn: Forbes - Doanh Chính tổng hợp).

Sự đi xuống này của tập đoàn công nghệ và bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc đã khiến tài sản ròng của chủ tịch Lee Jae-yong giảm xuống còn 8 tỷ USD. Tuy nhiên, theo danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2023 mới được tạp chí Forbes công bố, ông Lee Jae-yong vẫn giữ được vị trí thứ hai của mình.

Năm 2021, ông Lee Jae-yong đã được ân xá sau khi thụ án 18 tháng trong bản án 30 tháng liên quan đến tội hối lộ, bao gồm cấm làm việc trong 5 năm. Sau đó vào tháng 8/2022, ông Lee đã được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ân xá, xóa bản án từ năm 2017 khỏi hồ sơ của mình.

Vào tháng 10/2022, ông Lee Jae-yong đã chính thức trở thành Chủ tịch điều hành của tập đoàn Samsung Electronics, hai năm sau khi cha ông, người đã điều hành tập đoàn Samsung ở nhiệm kỳ trước đó, qua đời.

Ông Lee thực tế vẫn đang bị xét xử trong một vụ án riêng biệt, bị buộc tội gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan đến vụ sáp nhập hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015 nhằm củng cố quyền sở hữu của ông đối với tập đoàn. Dù vậy, ông Lee Jae-yong đã phủ nhận những cáo buộc này, trong khi phía Samsung cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Nhu cầu về chip suy yếu đã không thể ngăn gã khổng lồ Samsung chú ý đến các khoản đầu tư mới với sự phục hồi dự kiến ​​trong nửa cuối năm nay. Vào tháng 2/2022, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã vay 20.000 tỷ won từ công ty liên kết Samsung Display để sử dụng làm vốn lưu động.

Vào tháng 5/2022, Samsung tiếp tục công bố kế hoạch 5 năm, chi tổng cộng 450.000 tỷ won tới năm 2026 để tăng tốc phát triển lĩnh vực chất bán dẫn, dược phẩm sinh học và các công nghệ thế hệ tiếp theo khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ tạo ra 80.000 việc làm mới trong giai đoạn trên.

Cũng theo danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc mới được tạp chí Forbes công bố, cái tên dẫn đầu danh sách năm nay là tỷ phú Michael Kim, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 9,7 tỷ USD. Ông Michael Kim là nhà đồng sáng lập MBK Partners, công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Seoul mang tên ông và quản lý khối tài sản trị giá hơn 26 tỷ USD.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm ING của ông tại Hàn Quốc, ra mắt công chúng vào năm 2017, là công ty đầu tiên thuộc sở hữu hoàn toàn của một công ty cổ phần tư nhân niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.

Đứng sau tỷ phú Michael Kim và Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong trên bảng xếp hạng năm nay có thể kể tới một số cái tên như nhà đồng sáng lập Celltrion Seo Jung-jin, nhà sáng lập Smilegate Kwon Hyuk-bin, nhà sáng lập Kakao Kim Beom-su hay chủ tịch Hyundai Motor Mong-Koo chung.

Anh Nguyễn