Bất chấp rủi ro Fed tăng lãi suất, quỹ đầu tư thị trường mới nổi vẫn hút dòng tiền
Hồi hộp chờ quyết định của Fed
Tuần qua, tỷ lệ dự báo Fed nâng lãi suất vào ngày thứ 4 tuần này đã có lúc lên đến 100%, rất giống với thời điểm trước lần nâng lãi suất trong tháng 12/2016. Việc nâng lãi suất là chắc chắn khiến giá vàng và trái phiếu đều giảm mạnh.
Giá vàng giảm 3,4% kể từ đầu tháng 3 còn lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên đỉnh cao mới của 8 năm là 1,3726% vào ngày 9/3/2017. Duy nhất chỉ có đồng USD chưa phản ứng nhiều với khả năng tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index chỉ tăng 0,1% kể từ đầu tháng 3.
>>Những đợt tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng thế nào đến thị trường toàn cầu?
Tỷ lệ dự báo Fed tăng lãi suất ngày 15/3 tăng vọt kéo theo đó là diễn biến trái chiều của giá vàng và lợi tức TPCP Mỹ |
Thống kê của SSI Retail Reseearch cũng cho thấy với việc Fed nâng lãi suất đã cận kề, tuần này giới đầu tư đã bắt đầu điều chỉnh danh mục như đã từng xảy ra vào tháng 11.
Dòng tiền vào các quỹ đầu tư trái phiếu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 10 tuần với 0,9 tỷ USD, bằng 1/7 so với tuần trước. Trong đó, dòng tiền vào các quỹ đầu tư ngành tài chính, ngành sẽ hưởng lợi từ việc nâng lãi suất, tăng mạnh lên 1,6 tỷ USD. Đề phòng với những rủi ro có thể xảy ra, dòng tiền cũng đổ vào các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ (money market fund) với 16,2 tỷ USD, cao nhất 13 tuần. Các quỹ đầu tư hàng hóa cơ bản bị rút 361 triệu USD sau khi dòng tiền liên tục vào 7 tuần do các quỹ đầu tư vàng bị rút vốn.
Dòng vốn vào quỹ đầu tư ngành tài chính và đầu tư hàng hóa cơ bản |
Theo SSI Retail Research, phản ứng của giới đầu tư với kỳ vọng lãi suất là rất rõ rệt, tuy nhiên có một loại tài sản đã miễn nhiễm với việc này, đó là các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi (GEM - Global Emerging Markets Equity Fund).Bất chấp rủi ro, quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi vẫn được ưa chuộng
Tuần qua dòng tiền vào các quỹ GEM vẫn tăng lên 1 tỷ USD, cao nhất 3 tuần và là tuần thứ 9 dòng tiền chảy vào các quỹ này. Dòng tiền đầu tư vào GEM đang đi ngược với quy luật lãi suất tăng sẽ khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn. Bên cạnh đó giá hàng hóa giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước mới nổi do đa phần các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản. Kể từ đầu tháng 3, chỉ số giá hàng hóa cơ bản của Bloomberg đã giảm mạnh 3,7%.
SSI Retail Research nhận định nếu như có một nguyên nhân khiến quỹ vẫn thu hút được dòng tiền thì đó là tính đa dạng trong danh mục đầu tư, nhờ vậy, giảm thiểu được rủi ro. Dòng tiền vào các quỹ khu vực và từng quốc gia mới nổi đa phần có diễn biến trái ngược với GEM. Dòng tiền tiếp tục chảy ra tại các quỹ đầu tư khu vực Châu Á và khu vực Đông Âu & Châu Phi. Riêng Trung Quốc, đã 6 tuần liên tiếp dòng tiền bị rút ròng. Nga có dòng tiền chảy ra tuần thứ 2 với giá trị lớn, 226 triệu USD.
Khu vực đang phát triển mà đáng chú ý nhất là Châu Mỹ Latin với các quỹ đầu tư khu vực và quốc gia đều có dòng tiền đi vào đạt 59,7 triệu USD, cao nhất 5 tuần. Dòng tiền rút ra cũng chấm dứt tại Mexico sau ba tuần với giá trị mua ròng khá nhỏ, khoảng 12,2 triệu USD. Khu vực Châu Mỹ Latin là khu vực điển hình phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản. Khi giá hàng hóa giảm sâu trong các năm 2014 và 2015, suy thoái kinh tế đã kéo theo hàng loạt thay đổi chính trị lớn. Kể từ năm 2016 sự thắng thế của các đảng phái thân kinh tế thị trường và giá hàng hóa hồi phục đã khiến khu vực này trở nên hấp dẫn. Chỉ số chứng khoán Brazil đã tăng 53% kể từ đầu năm 2016 còn của Mexico là 11%.
Nếu so sánh với Châu Á, Đông Âu hay Châu Phi thì câu chuyện của khu vực Châu Mỹ Latin mới mẻ và có nhiều tiềm năng hơn cả. Vì vậy mà giá hàng hóa giảm mạnh trong tuần qua đã không ảnh hưởng đến cái nhìn dài hạn của giới đầu tư vào khu vực này.
Bài toán hút vốn ngoại Việt Nam gặp khó: cần một câu chuyện mới?
Trong bối cảnh dòng tiền tập trung về thị trường phát triển và nếu có để ý tới EM thì sẽ là GEM và Châu Mỹ Latin, việc thu hút vốn nước ngoài cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều. Việt Nam phải có một câu chuyện mới đặc biệt để trở nên nổi bật và để cho giới đầu tư quan tâm trở lại. Một hướng đi khả thi đó là nâng hạng thị trường.
Về dài hạn, chính sách phát triển đúng đắn để có được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững mới thực sự là sức hút quan trọng nhất với nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch SSI: 'FED tăng lãi suất trong tháng 3 ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nhưng không đáng ngại'
Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng đáng kể nhất và khó kiểm soát được là hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang nợ ... |
Fed dọn đường để chuẩn bị tăng lãi suất
Thêm một bình luận của thành viên chủ chốt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, khiến thị trường tin rằng Fed sắp sửa tăng lãi ... |