|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất chấp làn sóng tẩy chay, vẫn có đầy khách hàng 'chốt đơn' dầu thô Nga

17:13 | 04/05/2022
Chia sẻ
Dù chính phủ Mỹ, Anh, Canada và Australia đã cấm vận dầu thô của Nga, vẫn có rất nhiều cơ sở lọc dầu trên khắp thế giới mạnh tay gom hàng.

Sau khi quân đội Nga tấn công Ukraine, các nước Mỹ, Anh, Australia và Canada đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua dầu thô của Nga. Riêng 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa nhất trí về một lệnh cấm vận tương tự.

Song, khối kinh tế chung đang hướng tới một lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào cuối năm nay, như một phần của gói trừng phạt thứ 6 chống lại chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, phát tín hiệu có thể lèo lái thành công lệnh cấm vận của EU đối với “vàng đen” của Nga vào cuối năm, mặc dù việc ngừng nhập khẩu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Khá nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã tự ý ngừng hoặc hứa hẹn ngừng mua dầu thô của Nga khi các hợp đồng dài hạn kết thúc. Các tập đoàn thương mại lớn trên toàn cầu cũng có kế hoạch giảm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga từ ngày 15/5.

Trái lại, Trung Quốc và Ấn Độ - vốn từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow, vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Dưới đây là những khách hàng mua dầu thô của Nga hiện tại và trước đây, theo Reuters:

Khách hàng thân thiết

Ấn Độ

Các cơ sở lọc dầu lớn của Ấn Độ, bao gồm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đều đang tích cực gom dầu thô của Nga.

Công ty nhà nước Bharat Petroleum đã mua 2 triệu thùng dầu Ural của Nga từ tập đoàn thương mại Trafigura, dự kiến giao hàng vào tháng 5. Công ty này thường xuyên nhập khẩu dầu Ural cho nhà máy lọc dầu Kochi công suất 310.000 thùng/ngày tại miền nam.

Hai công ty nhà nước khác là Hindustan Petroleum và Mangalore Refinery & Petrochemicals cũng mua lần lượt 2 triệu và 1 triệu thùng dầu của Nga cho đợt giao hàng tháng 5, theo nguồn tin của Reuters.

Ở diễn biến khác, kể từ ngày 24/2, Indian Oil đã mua tổng cộng 6 triệu thùng dầu Ural. Ngoài ra, hãng này còn ký hợp đồng cùng gã khổng lồ Rosneft của Nga để nhập tới 15 triệu thùng dầu trong năm 2022.

Trung Quốc

Tập đoàn Sinopec thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc - cũng là cơ sở lọc dầu lớn nhất châu Á, cũng đang tiếp tục mua dầu thô của Nga theo các hợp đồng dài hạn đã ký kết từ trước. Song, Sinopec lại tránh đụng tới các hợp đồng trên thị trường giao ngay.

Indonesia

Công ty năng lượng nhà nước Indonesia PT Pertamina đang cân nhắc mua dầu thô từ Nga trong quá trình tìm kiếm nguồn cung cho một nhà máy lọc dầu mới được tân trang lại, Reuters thông tin.

Đức

Dầu thô của Nga tiếp tục chiếm tới 14% lượng nguyên liệu thô tại Miro - cơ sở lọc dầu lớn nhất của Đức. Theo Reuters, tập đoàn Rosneft của Nga cũng sở hữu 24% cổ phần của Miro.

Nhà máy lọc dầu Leuna nằm ở miền đông nước Đức, do TotalEnergies của Pháp sở hữu phần lớn, chủ yếu mua dầu của Nga qua đường ống Druzhba.

Một cơ sở khác của Đức là PCK Schwedt (với 54% cổ phần thuộc về Rosneft) cũng tiếp nhận dầu thô của Nga qua đường ống Druzhba.

Italy

Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Italy buộc phải mua gần như toàn bộ dầu thô từ Lukoil của Nga vì các ngân hàng quốc tế không còn cung cấp tín dụng cho họ nữa. Đáng chú ý là, cơ sở này thuộc sở hữu của công ty Litasco có trụ sở tại Thụy Sĩ và Litasco lại do Lukoil toàn quyền kiểm soát.

Hy Lạp

Hellenic Petroleum - công ty lọc dầu lớn nhất của Hy Lạp, phụ thuộc khá nhiều vào dầu thô của Nga, với khoảng 15% nguồn cung đến từ xứ sở Bạch Dương. Đầu tháng này, công ty đã giành được thêm hợp đồng với Arab Saudi.

Hungary

Công ty dầu khí MOL của Hungary hiện đang điều hành ba nhà máy lọc dầu, một trong nước và hai lần lượt tại Slovakia và Croatia. MOL vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga qua đường ống Druzhba.

Hãng này cho biết sẽ mất 2 - 4 năm và chi phí khoảng 500 - 700 triệu USD để thay thế sản phẩm của Nga trong trường hợp châu Âu cấm vận dầu thô của đất nước Liên Xô cũ.

Bulgaria

Một nhà máy lọc dầu của Bulgaria - vốn thuộc sở hữu của Lukoil, vẫn tiếp tục tinh chế dầu thô của Nga. Khoảng 60% nguồn nguyên liệu thô của cơ sở này đến từ Nga.

Ba Lan

PKN Orlen - nhà máy lọc dầu lớn nhất Ba Lan đã ngừng mua dầu của Nga trên thị trường giao ngay, nhưng vẫn nhập dầu Ural theo các hợp đồng đã ký trước đó. Dự kiến, các hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

PKN Orlen đang vận hành các cơ sở ở Lithuania, Ba Lan và Cộng hòa Séc. Họ nhận thấy lợi nhuận từ mảng lọc dầu tăng đột biến trong tháng 3 nhờ giá dầu Nga chiết khấu mạnh.

Trăng tròn mọc trên nhà máy lọc dầu của Gazprom Neft ở Omsk, Nga. (Ảnh: Reuters).

Khách hàng quay lưng

Trafigura (Thụy Sĩ)

Trafigura - công ty thương mại hàng hóa toàn cầu trụ sở tại Geneva, dự định ngừng mọi hoạt động mua dầu thô từ Rosneft vào ngày 15/5, khi các quy định chặt chẽ hơn của EU đối với dầu Nga có hiệu lực. Sau đó, hãng này sẽ giảm “đáng kể” khối lượng sản phẩm tinh chế mua từ Rosneft.

Glencore (Thụy Sĩ)

Glencore cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký trước đó với Rosneft. Tuy nhiên, công ty khai thác và thương mại này sẽ không “tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào liên quan đến hàng hóa có xuất xứ từ Nga, trừ khi có chỉ thị từ chính phủ”.

Eneos (Nhật Bản)

Công ty lọc dầu lớn nhất Nhật Bản đã ngừng mua dầu thô từ Nga, thay vào đó sẽ tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Trung Đông.

TotalEnergies (Pháp)

Tập đoàn dầu khí của Pháp thông báo sẽ không ký kết hoặc gia hạn các hơp đồng mua dầu hiện có với Nga. Mục tiêu của hãng là ngừng toàn bộ giao dịch với Nga vào cuối năm 2022.

BP (Anh)

Ông lớn dầu mỏ của Anh đang từ bỏ cổ phần trong Rosneft và cam kết sẽ không ký các thỏa thuận mới với doanh nghiệp Nga, trừ khi “điều đó là cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng”.

Shell (Anh)

Hãng kinh doanh xăng dầu lớn nhất thế giới đã ngừng mua dầu của Nga. Hôm 27/4, Shell cho biết sẽ không chấp nhận các sản phẩm tinh chế có bất kỳ thành phần nào từ Nga, bao gồm cả nhiên liệu pha trộn, theo Reuters.

Eni (Italy)

Tập đoàn năng lượng Eni, do chính phủ Italy sở hữu 30,3% cổ phần, đang tạm ngừng mua dầu thô của Nga.

Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Bayernoil của Đức sẽ không sử dụng dầu của Nga. Bayernoil là cơ sở mà Eni và Rosneft cùng có cổ phần.

Equinor (Na Uy)

Công ty năng lượng chủ yếu thuộc sở hữu của chính phủ Na Uy này đã ngừng kinh doanh dầu của Nga cũng như khép lại hoạt động tại xứ sở Bạch Dương.

Neste (Phần Lan)

Công ty lọc dầu của Phần Lan đã không mua dầu thô của Nga trên thị trường giao ngay kể từ khi chiến sự bắt đầu. Họ cũng không có kế hoạch ký kết các hợp đồng mới khi hợp đồng dài hạn hiện có kết thúc vào tháng 7.

Repsol (Tây Ban Nha)

Công ty năng lượng Tây Ban Nha này đã ngừng mua dầu thô của Nga trên thị trường giao ngay, theo Reuters.

Yên Khê