Bất chấp dịch COVID-19, VPBank, HDBank và TPBank vẫn tăng trưởng tín dụng cao trong quí I
Theo số liệu của Tổng cục thống kê (GSO), tính đến thời điểm 20/3/2020, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 0,68% trong khi cùng kì năm trước tăng 1,9%; điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng trên là mức thấp nhất khi so sánh với giai đoạn từ 2015-2019 (dao động từ 1,25% tới 2,81%). Trong đó, tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại ba ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng như các ngân hàng thương mại như MB và ACB, theo ghi nhận từ CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research).
"Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai", SSI Research nhận định.
Trong khi đó, VPBank, HDBank và TPBank đã phá bỏ khuôn mẫu và bùng nổ với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao: khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPBank, 5% tính đến hết tháng 2/2020 đối với HDBank và 9% tính đến hết tháng 3/2020 đối với TPBank.
Lí giải về nguyên nhân ba ngân hàng trên vẫn có được mức tăng trưởng tín dụng tốt, SSI Research cho rằng VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Còn đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được kí trước đó vào cuối năm 2019.
Theo SSI Research, hiện các ngân hàng đang tiếp tục mở rộng gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Sau khi ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, mỗi ngân hàng đã công bố gói vay tín dụng hỗ trợ riêng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Gần đây, trong cuộc họp của Chính phủ với đại diện của 20 ngân hàng đã thống nhất các ngân hàng sẽ mở rộng gói vay tín dụng hỗ trợ bổ sung để hỗ trợ khách hàng vì tính chất cấp thiết đối với tình hình hiện tại.
Chính phủ cũng đã cung cấp cho các ngân hàng các hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm 50% phí giao dịch liên ngân hàng (Thông tư 04/2020) và gia hạn thời gian nộp thuế (dự thảo sửa đổi Nghị định được đang đề xuất). Các ngân hàng cũng được yêu cầu không chi trả cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng quốc doanh nhằm giữ lại thu nhập từ năm trước để hỗ trợ nền kinh tế.