Bất chấp dịch AFS bùng phát mạnh, Nga vẫn thuộc top quốc gia xuất khẩu thịt heo thế giới
Theo trang Pig World, cuối năm 2020, Nga đã phải tiêu hủy gần 500.000 con heo do dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát mạnh, đây là con số kỷ lục trong nhiều năm.
Tuy nhiên, khó khăn tạm thời này không cản được đà phát triển của ngành chăn nuôi, tốc độ tái đàn nhanh nhờ xuất khẩu tăng phi mã.
Năm 2020, xuất khẩu thịt heo ở Nga đạt 192.000 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2019. Rosselhozbank dự báo năm 2021, xuất khẩu thịt heo của Nga dự kiến sẽ tăng lên 250.000 - 300.000 tấn nếu xuất khẩu trực tiếp cho Trung Quốc thuận lợi.
Theo Gazprombank, Nga đã vượt qua Brazil, trở thành nước sản xuất thịt heo lớn thứ 5 thế giới. Sản lượng thịt heo năm 2020 của Nga đạt 4,3 triệu tấn.
Liên minh các nhà sản xuất thịt heo Nga (RUPP) ước tính con số này vẫn chưa đạt đến mức cao nhất và mức sản xuất được dự báo sẽ tăng lên 6 triệu tấn vào năm 2025.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa tăng mạnh cũng thúc đẩy ngành chăn nuôi heo phát triển. Theo thống kê, năm 2020, người Nga tiêu thụ khoảng 28 kg thịt heo mỗi năm.
Lượng tiêu dùng thịt heo của người Nga dù thấp hơn người châu Âu, tuy nhiên đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ thời Liên Xô và RUPP dự báo nhu cầu trong nước sẽ tăng thêm 3%.
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa của Nga sẽ khó có thể tăng trưởng nhanh, đạt trên 4 triệu tấn như năm 2020. Do đó, các nhà sản xuất thịt heo Nga tính tới phương án đẩy mạnh xuất khẩu.
Nếu các kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp thịt heo của Nga diễn ra suôn sẻ, nước này sẽ xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn thịt heo vào năm 2025 để tránh cuộc khủng hoảng dư cung nghiêm trọng trên thị trường nội địa.
Năm 2020, thị trường tiêu thụ thịt heo Nga lớn nhất là Việt Nam và Hong Kong. Trong đó, Nga là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới 34% nhập khẩu thịt heo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nga xuất khẩu sang Việt Nam 22 nghìn tấn, tương đương 60 triệu USD, tăng 708% về lượng và tăng 369% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Rosselhozbank dự đoán các nước Đông Nam Á sẽ là điểm đến bán hàng hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất thịt heo Nga trong những năm tới.
Đại dịch COVID-19 không làm gián đoạn hoạt động của ngành chăn nuôi heo Nga. Ngược lại, một số đợt tăng giá trong ngành bán lẻ đã đẩy tỷ suất sinh lời trung bình năm 2020 tăng lên 18%. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến đồng RUB mất giá, thịt heo Nga trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Tính đến đầu tháng 5, Nga đã ghi nhận 36 ổ dịch ASF, trong đó 17 ổ dịch chăn nuôi nông hộ. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu, Nga và các nước Đông Á. Trong khi, các trường hợp thịt heo nhiễm ASF xâm nhập vào chuỗi thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra.
Người tiêu dùng nước này cho biết các cơ quan Thú y quá thờ ơ với những trường hợp này vì cho rằng dịch ASF không gây ra mối đe dọa nào đối với con người.
Trước đó, năm 2020, cơ quan Kiểm dịch Thú y Rosselhoznadzor đã xem xét việc tăng tiền phạt đối với những trường hợp bán thịt heo bị nhiễm ASF. Tuy nhiên, mức phạt chỉ như "muối bỏ biển" so với lợi nhuận thu được từ việc bán thịt heo nhiễm bệnh. Tuy nhiên, quyết định này vẫn đang chờ xử lý và chưa áp dụng.