|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao lượng điều nhập khẩu từ Campuchia tăng đột biến?

06:53 | 22/06/2021
Chia sẻ
Kim ngạch nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến 550% khiến ngay cả VINACAS cũng bất ngờ, khó giải thích. Tuy nhiên, chuyên gia trong ngành khẳng định không có chuyện doanh nghiệp mượn đường Campuchia để xuất khẩu điều vào Việt Nam.

Những con số bất ngờ

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết 5 tháng đầu năm, nhập khẩu điều đạt hơn 1,4 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2,2 tỷ USD tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, nhập khẩu điều từ Campuchia đạt hơn 939 nghìn tấn, tương đương gần 1,6 tỷ USD, tăng 395% về lượng, tăng 550% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đây đồng thời là nguồn cung điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới 66%.

Chỉ tính riêng mặt hàng điều đã chiếm tới 60% tổng kim ngạch hàng hóa của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam.

Giải mã những bí ẩn đằng sau việc nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến 550% - Ảnh 1.

Lượng điều nhập khẩu từ Campuchia chiếm 66% (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết vào đầu tháng 5, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng: "Việc kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm bằng cả mục tiêu năm là điều khó khả thi. 

Bởi, kim ngạch nhập khẩu cả năm 2020 là 1,8 tỷ USD. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu điều 4 tháng đầu năm đạt hơn 1,8 tỷ USD".

Chia sẻ với Tạp chí Hải quan, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VINACAS cho biết Hiệp hội cũng bất ngờ về sự tăng trưởng bất thường từ nhập khẩu điều của Campuchia và đang rà soát lại trong các doanh nghiệp hội viên.

Thực tế, ngoài Campuchia, các doanh nghiệp hội viên vẫn nhập khẩu điều chủ yếu từ các thị trường truyền thống ở châu Phi và sơ bộ ghi nhận chưa có đơn vị nào có lượng nhập khẩu tăng bất thường.

Bên cạnh đó, một số giả thiết cho rằng liệu có khả năng mặt hàng này có xuất xứ từ quốc gia khác mượn đường Campuchia để vào Việt Nam.

Một chuyên gia trong ngành cho biết nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải mượn đường quốc gia khác xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam là trốn thuế.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng điều, có thể loại trừ khả này bởi thuế nhập khẩu điều thô bằng 0%.

"Không có chuyện doanh nghiệp mượn đường Campuchia để xuất khẩu điều vào Việt Nam bởi thuế nhập khẩu điều thô bằng 0%, doanh nghiệp không cần trốn thuế", vị này cho biết.

Giải mã những bí ẩn đằng sau việc nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến 550% - Ảnh 2.

Thuế nhập khẩu điều vào Việt Nam bằng 0% (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nhập khẩu điều vào cảng Cát Lái (TP HCM) khá dễ dàng, sau đó vận chuyển về các nhà máy cũng gần. Trong khi, nhập khẩu về Xihanucvin (Campuchia) quãng đường xa và phải qua 2 lần làm thủ tục.

Mặt khác, nếu chất lượng điều Campuchia tốt, muốn giả hàng Campuchia vào Việt Nam để bán giá cao thì điều này khó có thể xảy ra. Bởi, các doanh nghiệp Việt Nam khá sành về điều, chỉ cần nhìn hình dạng, kích thước có thể biết được hạt điều xuất xứ từ quốc gia nào.

Theo chuyên gia, việc nhập khẩu điều tăng đột biến trong 5 tháng đầu năm có thể do trong 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã gom điều ở châu Phi, tích trữ chờ tăng giá.

Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm là giai đoạn thu hoạch điều, sản lượng chế biến và xuất khẩu chưa nhiều, nhất là trong quý I. Hạt điều xuất khẩu trong quý I chủ yếu là điều lưu kho từ năm trước, do đó cán cân xuất khẩu nghiêng về phía nhập siêu.

Việc tích trữ nguyên liệu khiến giá điều trong nước giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là do mưa nhiều, hạt điều bị sâu, chất lượng quá. Phần lớn lượng điều bị ẩm, nhà máy không có sân để phơi.

Mở rộng diện tích điều là bất khả thi

Trước thực trạng nhập khẩu điều tăng mạnh, Bộ Công Thương đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp.

Tuy nhiên, chuyên gia ngành điều nhận định: "Việc mở rộng diện tích điều là bất khả thi".

Ông phân tích hiện nay cây điều trồng tại Việt Nam cho tăng suất tối đa 2 tấn/ha. Do đó, để có 1 triệu tấn điều cần mở rộng khoảng 500.000 ha. Tuy nhiên, quỹ đất còn quá ít và đất phải được sử dụng hiệu quả.

Mặt khác, giá điều nội địa cao nhất chỉ đạt 35.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi năm người dân chỉ thu được 80 triệu đồng/ha. Trong khi, trồng các loại cây khác, người dân có thể thu vài trăm triệu đến tiền tỷ trên diện tích 1 ha mỗi năm.

Trong khi, hạt điều châu Phi dù phải vận chuyển cả tháng trên biển, giá chỉ khoảng 1.200 USD/tấn, tương đương 27.000 đồng/kg.

Giải mã những bí ẩn đằng sau việc nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến 550% - Ảnh 3.

Giá điều trong nước giảm mạnh do vụ điều gặp mưa, chất lượng kém (Ảnh: Báo Nhân dân)

Mặc dù, chất lượng điều Việt Nam, Campuchia vượt trội hơn điều châu Phi song lợi nhuận người dân thu được từ 1 ha điều còn quá thấp, không cạnh tranh được với các cây trồng khác. 

Nhất là khi các vùng điều lớn như Bình Phước đang dần được thay thế bằng khu công nghiệp, đô thị. Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh việc mở rộng diện tích điều là bất khả thi, chỉ có thể cải tạo chất lượng và tăng năng suất hạt điều trong nước.

Chuyên gia ngành điều cho biết trước đó, Bộ NN&PTNT đưa ra quan điểm không tăng diện tích điều mà sẽ đưa các giống mới, thay đổi quy trình canh tác để tăng năng suất.

Như vậy, diện tích điều trong nước trong 30 – 40 năm qua luôn ổn định ở mức 300.000 ha. Từ chỗ chỉ xuất khẩu điều thô, sau 15 năm, ngành điều Việt Nam vươn lên thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân và giữ vị trí ngôi vương cho đến nay.

Song song với việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước, ngành điều cũng tích cực khai phá nguồn nguyên liệu châu Phi, Campuchia…

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết trong tình huống các nước xuất khẩu tăng cường chế biến, nguồn cung thiếu hụt, giá điều nhập khẩu tăng cao… có thể ngành điều Việt Nam sẽ bị xóa sổ.

Hoàng Anh

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.