Báo nước ngoài phân tích kế hoạch bay Mỹ của Bamboo Airways
Từ giữa năm 2019, hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways đã tính chuyện bay thẳng đến Mỹ. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết khi đó đã nhẩm tính rằng Bamboo có thể lãi 28 tỷ đồng/tàu bay/tháng với đường bay Việt – Mỹ.
Mới đây, Bamboo đã được cấp slot bay thẳng tới San Francisco và Los Angeles, bang California, bắt đầu từ 1/9 năm nay với tần suất ba chuyến mỗi tuần tại mỗi sân bay.
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT), hãng hàng không này thể hiện mong muốn bay từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tới 5 thành phố lớn của Mỹ là San Francisco, Los Angeles, Seattle, Dallas-Forth Worth và New York, sau đó có thể đến ba thành phố ở Canada.
Hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sẽ có một điểm dừng kỹ thuật ở Đài Loan hoặc Nhật Bản để tiếp nhiên liệu. Theo các chuyên gia hàng không, việc bay với một điểm dừng kỹ thuật trên các đường bay dài sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn so với khi bay thẳng hoàn toàn vì lượng xăng lúc đầu bơm lên máy bay ít hơn, giúp giảm trọng tải cất cánh.
Nếu đến Canada, chuyến bay Bamboo sẽ có tổng cộng hai điểm dừng giữa đường, một ở Đài Bắc hoặc Nhật Bản, một ở Mỹ.
Bamboo Airways dự kiến sẽ sử dụng dòng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner cho chặng bay đường dài này. Bamboo hiện có ba chiếc Dreamliner và đã đặt mua 10 chiếc nữa. Những chiếc Dreamliner này có 294 ghế, được chia làm ba hạng: 247 ghế phổ thông, 26 ghế thương gia và 21 ở khoang hạng nhất.
Theo trang Simple Flying, nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và Mỹ là khá lớn. Năm 2019, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, có khoảng 1,8 triệu lượt hành khách đi lại giữa hai nước bằng các chặng bay nối chuyến, số liệu của OAG Traffic Analyser cho biết. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 2.466 hành khách bay mỗi chiều.
Chặng TP Hồ Chí Minh (SGN) đi Los Angeles (LAX) là đường bay lớn nhất chưa được phục vụ (unserved), ước tính nhu cầu khoảng 270.000 khách mỗi năm. Ngoài ra còn có khoảng 22.000 người bay đến/từ các sân bay khác quanh vùng Los Angeles Basin.
San Francisco là điểm đến tiềm năng thứ hai với 175.000 lượt khách mỗi năm. Nếu tính cả San Jose thì con số tăng lên thành 185.000.
Quy mô của thị trường hàng không Việt Nam – Bắc Mỹ là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đường bay thẳng nào giữa hai nước, cho dù Cục Hàng không Mỹ đã trao chứng nhận CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam năm 2019. Theo Simple Flying, tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra.
Lượng khách không phải vấn đề chính của Bamboo Airways
Vấn đề lớn nhất với kế hoạch bay thẳng Việt Mỹ không phải là lượng hành khách mà là giá vé bình quân và khoảng cách địa lý quá xa.
Quãng đường từ TP Hồ Chí Minh đến Los Angeles dài tới 13.150 km, thậm chí còn xa hơn cả chặng Dallas – Hong Kong.
Trong khi đó, thành phần hành khách chủ yếu trên đường bay Việt – Mỹ là những người đi du lịch và thăm thân, tức là nhóm rất nhạy cảm về giá và sẵn sàng chấp nhận bay nối chuyến để có thể tiết kiệm tiền vé. Chỉ những người đi công tác, là doanh nhân của các công ty lớn mới sẵn lòng rút hầu bao để trả cho chi phí đắt đỏ của một chuyến bay thẳng.
Theo Simple Flying, giá vé một chiều từ TP HCM đến Los Angeles vào năm 2019 là khoảng 421 USD, chưa kể phụ thu nhiên liệu và thuế. Trong khi đó, chặng TP HCM – Seoul dài 3.555 km và có giá vé 184 USD.
Quãng đường tới Los Angeles xa gấp 3,7 lần so với tới Seoul, nhưng giá vé tính trên mỗi km lại thấp hơn 38%.
Với chặng Đài Bắc – Los Angeles, giá vé bình quân một chiều là 562 USD, cao hơn 1/3 so với chặng từ TP HCM trong khi quãng đường lại ngắn hơn. Tính bình quân trên mỗi km, chặng bay từ TP HCM có giá vé cao hơn 37%.
Việc thiếu lượng hành khách cao cấp và quãng đường quá xa khiến cho chặng bay từ TP HCM (đô thị lớn nhất Việt Nam) đến Mỹ không thực sự hiệu quả.
Theo nhà phân tích James Pearson của Simple Flying, Bamboo Airways nên tránh những đường bay chỉ có vẻ ngoài hấp dẫn và cần tập trung vào những cơ hội thực sự có tiềm năng. Nói cách khác, hãng bay Việt Nam này không nên tính chuyện bay Mỹ, kể cả với dòng tiết kiệm nhiên liệu Boeing 787-9.
Nếu nhất định muốn bay tới đất nước cờ hoa, Los Angeles và San Francisco rõ ràng là những điểm đến hợp lý hơn cả khi xét về lượng khách, giá vé và khoảng cách.
Việc bay một điểm dừng kỹ thuật là hoàn toàn dễ hiểu, nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Nhưng kế hoạch vận hành qua Nhật Bản khi chưa có thương quyền là không thực sự hợp lý và có thể làm tăng chi phí. Hơn nữa, chiều bay từ Mỹ về Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh đáng kể từ nhiều chặng bay một điểm dừng (transit) của các hãng khác.