|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Báo nước ngoài nói về mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt để cạnh tranh với Facebook và Google

17:28 | 15/08/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu phát triển một loạt mạng xã hội nhằm "phá" ưu thế của Facebook. Luật an ninh mạng có thể là yếu tố pháp lí thuận lợi đối với những mạng xã hội đó.

Nikkei Asian Review đưa tin mạng xã hội (MXH) ra mắt gần đây nhất là của Gapo Technology (một công ty thuộc tập đoàn G-group có trụ sở tại Hà Nội) vào ngày 23/7.

Gapo là MXH do công ty tư nhân trong nước phát triển, có các chức năng trò chuyện, đăng bài và một số thao tác khác. "Chúng tôi tự tin có thể thu hút 50 triệu người dùng vào năm 2021", Hà Trung Kiên, giám đốc Gapo, cho hay tại sự kiện ra mắt ở Hà Nội.

Gapo ra mắt chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước một nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin tại TP HCM rằng ông muốn Việt Nam có nhiều MXH riêng hơn.

1

MXH Gapo kì vọng đạt 50 triệu người dùng trong ba năm tới khi Bộ CNTT khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm độc đáo dùng trong nước.

Lời kêu gọi của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Ông Hùng nhận định, đã đến lúc ngành CNTT Việt Nam tiến lên chiếm lĩnh chuỗi giá trị sau một thời gian dài tập trung vào gia công phần mềm CNTT.

"Đây là thời điểm chúng ta nên phát triển một MXH mới, nhân văn và thực sự coi trọng khách hàng hơn", ông Hùng nói. Ông đã kêu gọi các công ty CNTT trong nước xây dựng một MXH độc đáo có thể cạnh tranh với Facebook cũng như các đối thủ nước ngoài khác.

Bộ CNTT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ban hàng chính sách "hộp cát" (khu vực ảo tách riêng khỏi máy tính) để doanh nghiệp có thể thử nghiệm mô hình công nghệ mới trong một môi trường an toàn và được kiểm soát tốt.

Từ tháng 1/2019, các công ty công nghệ Việt Nam đã tung ra ba MXH. MXH du lịch Hahalolo chính thức công bố nền tảng của họ vào ngày 10/6, đồng thời đặt mục tiêu hai tỉ người dùng vào năm 2024.

Một ngày sau, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng tung ra mạng xã hội VCNET. Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho hay, VCNET có sứ mệnh "chống thông tin sai lệch và tin tức giả mạo".

Hai MXH nữa sắp ra mắt trong nửa cuối năm 2019, nâng tổng số nền tảng mới do các công ty tư nhân phát triển lên con số 5 trong năm nay, trong khi chỉ 2 mạng xã hội ra đời trong năm ngoái.

Luật an ninh mạng có thể là cú hích

Giới quan sát nhận định các MXH có thể tăng tốc hơn nữa nhờ luật an ninh mạng có hiệu lực vào tháng 1. Luật yêu cầu các công ty tham gia lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trực tuyến và nội dung trực tuyến phải đặt văn phòng, máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Việt Nam đã gia tăng áp lực lên Facebook và Google kể từ khi luật an ninh mạng được thực thi. Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu hai tập đoàn công nghệ Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bộ cho biết Facebook và Google đã ghi nhận lần lượt 235 triệu USD và 152,1 triệu USD doanh thu từ dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam trong năm 2018.

Hồi tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay Facebook đã đồng ý xóa 208 tài khoản giả, 2.444 liên kết quảng cáo sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp, 215 trang fanpage quảng cáo cờ bạc và hơn 200 liên kết chống phá Đảng và Nhà nước.

Ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên tại Viện ISEAS - Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đã bày tỏ nghi ngờ về mục tiêu của Việt Nam. Ông không nghĩ Việt Nam sẽ có thể phát triển thành công các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để cạnh tranh với Facebook hay Google.

"Chừng nào Facebook và Google vẫn còn tồn tại, các nền tảng MXH Việt Nam sẽ không phải là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng trong nước", ông nhận định.

Kể từ khi Facebook thâm nhập vào Việt Nam năm 2017, chính phủ đã cấp hơn 300 giấy phép cho các MXH đại phương tính đến năm 2017, nhưng rất ít trong số đó hiện còn hoạt động.

Người dùng thường phàn nàn rằng phần lớn nền tảng do doanh nghiệp trong nước phát triển không thân thiện với họ và có xu hướng sao chép chức năng của Facebook. 

Khả Nhân