Báo động 'đỏ' về biến đổi khí hậu lên sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL
9/13 tỉnh ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu
Tại Hội thảo "Các giải pháp kinh tế, kĩ thuật để phát triển cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" diễn ra ngày 21/9 tại Tiền Giang, do Trung ương Hội Nông dân và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam, cho biết vùng ĐBSCL có diện tích trên 4 triệu ha.
Trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, với dân số 17,8 triệu người.
ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo, trong đó, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 70% lượng thủy sản và hơn 36% lượng trái cây cho cả nước.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa và cây ăn quả của vùng.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam tại Hội thảo "Các giải pháp kinh tế, kĩ thuật để phát triển cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL". Ảnh: Như Huỳnh.
Theo dự báo, ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, vấn đề được mùa rớt giá, sản xuất kém bền vững xuất phát từ qui mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân còn hạn chế, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo… cũng khiến tình hình sản xuất lúa gạo của vùng trở nên khó khăn hơn.
TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, khẳng định không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng chỉ có giống lúa chịu mặn trong giai đoạn lúa còn non.
"Nếu gặp nước mặn dù chỉ 1/1000 thì lúa cũng đã bị ảnh hưởng. Khi ấy, cây lúa đang sinh trưởng sẽ xuất hiện hiện tượng lép hạt, kéo giảm năng suất nghiêm trọng", TS. Phụng cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo, diễn biến khí hậu hiện đã và đang gây bất lợi cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân ở đây. Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ kiềm hãm phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Hiện nay, mực nước biển dâng 0,19 cm mỗi năm. Dự báo nước biển sẽ dâng cao thêm 100 cm vào năm 2100. ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển trung bình từ 0 - 4 m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn. "Đã có 9/13 tỉnh ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu", TS.Phụng cho biết.
TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, vào năm 2015, cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo của nước ta lần lượt gồm gạo trắng cấp thấp và trung bình chiếm 30,8%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 27,8%; gạo thơm 22,7%; gạo nếp 7,1%; sản phẩm khác 11,6%.
Sang năm 2019, đã có sự thay đổi, trong đó gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 40%, gạo thơm, đặc sản, japonica chiếm 30% và sản phẩm khác 30%.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 5,4 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kì năm 2018 nhưng trị giá lại chỉ đạt 1,96 tỉ USD, giảm 15%.
Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc giảm đến 65% và giá xuất khẩu giảm đã khiến tình hình xuất khẩu gạo không mấy lạc quan.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng cho biết giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL giảm nhẹ trong tháng 8 so với tháng trước và dự báo có thể tiếp tục giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tháng tới ảm đạm.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 340 – 350 USD/tấn xuống 335 – 345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), còn gạo đồ 5% tấm Ấn Độ giảm từ 381 – 384 USD/tấn xuống còn 373 – 374 USD/tấn. Trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 395 – 405 USD/tấn lên 405 – 425 USD/tấn (FOB Bangkok).
Thay đổi để thích ứng
TS. Phụng cho rằng để trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện tình hình xuất khẩu, một trong các giải pháp là nông dân nên ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến Bên cạnh đó, ứng dụng giải pháp 3 giảm, 3 tăng và sử dụng các giống ngắn ngày.
"Nếu độ mặn của đất và nước vượt quá mức chịu đựng của cây lúa thì nên chuyển đổi đất sang mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và thân thiện với môi trường. Không nên áp đặt là phải lai tạo giống lúa chịu mặn quá cao hoặc canh tác lúa bằng mọi giá", TS.Phụng đề xuất.
Ông Cao Văn Hóa thông tin, năm 2016, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 50 km trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
"Tiền Giang đang có hơn 200.000 ha đất lúa, nhưng sắp tới sẽ qui hoạch còn 41.000 ha đất lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Hóa cho hay.
Còn theo TS.Vũ Tiến Khang, Viện Lúa ĐBSCL, kiến nghị Chính phủ nên thúc đẩy nhiều chính sách khuyến khích việc áp dụng phân hữu cơ trong qui trình sản xuất lúa nhằm giảm thiểu áp dụng hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để góp phần tăng độ phì nhiêu đất, giảm ô nhiễm môi trường… thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cây ăn quả vùng ĐBSCL có thể ứng dụng như củng cố đê bao để nước mặn tránh xâm nhập vào vườn, dự trữ nước ngọt trong mương để tưới hoặc dự trữ nước ngọt trong túi ni lông dày đặt dưới gốc cây, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/