|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 8/2023: Vượt Thái Lan, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

14:21 | 20/09/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo của Việt Nam bật tăng mạnh trong tháng 8 sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati. Luỹ kế trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo của nước ta đã bật tăng mạnh trong tháng 8 nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Hè Thu và nhu cầu tăng cao sau khi một số nước như Ấn Độ, Nga, UAE, Myanmar ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 8 đạt 921.443 tấn, trị giá 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng và 50,7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 28,8% về lượng và tăng tới 61,7% về trị giá so với cùng kỳ.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của nước ta đạt kỷ lục mới là 5,81 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Bởi theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 8 tháng đầu năm đạt khoảng 5,3 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam qua các tháng năm 2021-2023. (Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan)

Về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc… đều tăng trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Senegal…

Giá gạo xuất khẩu trong tháng 8 cũng tăng vọt 8% so với tháng trước và cao hơn 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 593 USD/tấn. Bình quân 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân gạo đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 544 USD/tấn.

Trên thị trường quốc tế, giá gạo chào bán của Việt Nam và một số nước châu Á trong tháng 8 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục trong 15 năm quasau khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước.

Tuy nhiên, bước sang tháng 9 giá gạo thế giới đã có phần hạ nhiệtkhi  khi nhiều nước hạ giá bán trong bối cảnh giá mặt hàng lương thực này đã tăng quá cao khiến cho hoạt động mua bán bị chậm lại.

Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 7/9 giá lúa gạo tại thị trường trong nước cũng đã hạ nhiệt và giảm từ 2 - 4% so với một tháng trước. Mặc dù vậy, mức giá hiện tại vẫn cao hơn khoảng 40 – 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Việt Nam đã nhập khẩu 470.013 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm, với trị giá 153,4 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 7 nhập khẩu gạo của Việt Nam từ thị trường này chỉ đạt 44.134 tấn, ngiảm 24,4% so với tháng trước và giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với việc Ấn Độ ban hành một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây, nhập khẩu gạo của Việt Nam từ thị trường này nhiều khả năng sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 8/2023 tại đây:

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Vân Miên

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.