|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu ngại ký đơn hàng lớn vì giá gạo biến động mạnh

20:14 | 10/09/2023
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp ngại ký hợp đồng mới hoặc những đơn hàng lớn vì giá gạo nguyên liệu biến động mạnh khiến việc thu mua khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.

Doanh nghiệp khó mua hàng nguyên liệu cho xuất khẩu 

Giá gạo xuất khẩu thời gian gần đây có dấu hiệu điều chỉnh sau thời gian dài tăng mạnh. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam,  giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tính đến ngày 7/9 ở mức 628 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với cuối tháng 8. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn gạo Thái Lan là 618 USD/tấn và Pakistan 608 USD/tấn.

 Số liệu: Reuters, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Theo một số doanh nghiệp, thời gian gần đây họ không dám ký hợp đồng lớn do giá gạo trong nước biến động mạnh, trong khi tồn kho không còn nhiều và việc thu mua cũng gặp khó khăn. 

Trao đổi với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho rằng khi Việt Nam chào giá cao như vậy sẽ dẫn đến nhiều khách hàng từ chối mua, trừ những khách hàng không còn lựa chọn nào khác đành buộc phải nhập. Hiện chủ yếu các doanh nghiệp bán hàng qua lại với nhau trong khi xuất khẩu hạn chế. 

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc thu mua gạo nguyên liệu, ngay cả khi đã ký hợp đồng bao tiêu trước đó, do giá tăng mạnh. 

“Từ giữa tháng 8 đến nay, hầu như chúng tôi không xuất đơn hàng nào, cũng không ký hợp đồng mới vì chờ vụ Thu - Đông thu hoạch. Chúng tôi sẽ xuất khẩu trở lại từ cuối tháng 9 với những hợp đồng đã chắc chắn đảm bảo nguồn cung từ các hợp đồng bao tiêu”, ông Có nói. 

Ông chia sẻ thêm có những hợp đồng bao tiêu đã thanh toán 50-60% số tiền nhưng nhiều nông dân không giữ uy tín. Họ chỉ giao đủ số hàng tương ứng với số tiền họ đã nhận cọc, số còn lại thì bán cho thương lái vì được trả giá cao hơn. Trường hợp thu mua không đủ hàng, doanh nghiệp buộc phải mua gạo nguyên liệu từ bên ngoài với giá cao để bù vào cho các đơn hàng xuất khẩu. 

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong 7 tháng 2023 đạt 4,9 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, tăng 32%.

Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu từ tháng 5 đến tháng 7 bắt đầu giảm dần so với cao điểm tháng 3, 4. Theo một số chuyên gia, lượng hàng tồn kho cho xuất khẩu hiện ước tính còn khoảng 1,3 - 1,8 triệu tấn. Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn gạo.

 Số liệu: Tổng Cục Thống kê (H.Mĩ tổng hợp)

“Với mức giá xuất khẩu hiện tại, các khách hàng nước ngoài không đồng ý mua nhưng giá thấp hơn thì chúng tôi không dám ký bởi vì nguồn bao tiêu mặc dù trên giấy tờ hợp đồng vẫn còn nhưng không chắc là thu mua được 100% bởi giá có thể tăng cao hơn nữa. Khi giá thị trường cao hơn bao tiêu thì nông dân không muốn bán cho công ty xuất khẩu nữa nên nguồn cung thấp hơn dự kiến”, ông Có nói.

  Số liệu: Tổng Cục Thống kê (H.Mĩ tổng hợp)

Theo số liệu từ Wichart, giá gạo nguyên liệu tính đến ngày 7/9 ở mức 13.400 đồng/kg, tăng 34% so với đầu năm. 

 Diễn biến giá gạo nguyên liệu từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2023 (Nguồn: Wichart)

Trong bối cảnh giá cả biến động, một số doanh nghiệp chọn giải pháp hạn chế ký những hợp đồng lớn. Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng các công ty xuất khẩu ở Việt Nam đa phần không còn nhiều hàng tồn kho, nếu có cũng đã nằm trong hợp đồng giao đến khách hàng. 

Do đó, trong bối cảnh biến động giá như hiện nay, các doanh nghiệp thu mua đến đâu bán tới đó, cũng không dám ký hợp đồng lớn. 

“Ngày xưa chúng tôi ký hợp đồng 5.000 - 10.000 tấn/hợp đồng thì hiện tại chỉ dám ký tầm 5.000 tấn đổ lại chứ không ký nhiều để đảm bảo tránh rủi ro thu mua gạo giá cao, phòng trường hợp Ấn Độ thay đổi chính sách. Giá trong nước nhiều khi cao hơn thế giới, do vậy các công ty mua đến đâu bán đến đó”. 

Giá gạo xuất khẩu khó lòng vượt 800 USD/tấn

Theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, mặc dù biến động mạnh trong thời gian gần đây nhưng giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ dần ổn định do nguồn cung tăng lên. 

Hiện tại, vụ Hè - Thu sắp kết thúc và người dân chuẩn bị gieo sạ cho vụ Thu - Đông vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10. Do đó, nguồn hàng trong thời gian tới sẽ nhiều hơn. 

"Nếu vụ Thu Đông năng suất tốt; Ấn Độ thay đổi chính sách thì có thể giá gạo xuống. Nếu Ấn Độ vẫn giữ chính sách thì Việt Nam vẫn đủ hàng để xuất khẩu và cung cấp trong nước. Do đó, giá gạo cuối năm sẽ bình ổn hơn, khó có khả năng giá quay về 1.000 USD/tấn như thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Mấy ngày gần đây, nguồn cung cho xuất khẩu thiếu hụt, giá cũng chỉ dao động 620 - 740 USD/tấn tuỳ chủng loại”, ông Thành nói. 

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ giá gạo từ nay đến cuối năm sẽ không vượt quá 800 USD/tấn và không thể đạt được mức 1.000 USD/tấn như thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Ông cũng lưu ý rằng trường hợp Ấn Độ xuất khẩu trở lại, giá gạo sẽ giảm mạnh.

“Ấn Độ có thể giữ quan điểm hạn chế xuất khẩu đến cuối năm. Tuy nhiên dưới sức ép của quốc tế và giữ uy tín với khách hàng truyền thống, họ cũng có thể thay đổi quyết định”, ông nói.

Ông Có cho biết thực tế, Ấn Độ vẫn đang xuất khẩu gạo sang các nước theo hợp đồng chính phủ.  Trong khi đó Ấn Độ chuẩn bị thu hoạch vụ mùa tới. Theo ước tính của FAO và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng gạo của Ấn Độ có thể tăng 3 - 5%. Do vậy, những doanh nghiệp nào đầu cơ, “ôm” nhiều hàng nguyên liệu giá cao sẽ đối mặt với rủi ro là nếu Ấn Độ xuất khẩu trở lại, giá gạo xuất khẩu sẽ giảm rất mạnh, và thua lỗ rất lớn. 

H.Mĩ