Philippines áp giá trần với gạo: Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào?
Doanh nghiệp lo bị huỷ hợp đồng
Ngày 1/9, Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết nước này đã ấn định mức trần giá gạo trên thị trường bán lẻ trong nước.
Đây là biện pháp nhằm bình ổn giá của mặt hàng chủ lực của quốc gia Đông Nam Á này khi giá bán lẻ tăng ở mức “báo động” do ảnh hưởng của các sự kiện trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, động thái này nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong nước.
Cụ thể, Philippines ấn định giá trần cho gạo xay xát thông thường ở mức 41 peso/1 kg (tương đương khoảng 0,72 USD/1kg). Trong khi đó, giá của gạo xay xát kỹ được ấn định ở mức 45 peso/1 kg (tương đương khoảng 0,79 USD/kg).
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trong luỹ kế 7 tháng 2023 đạt hơn 1,9 triệu tấn, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7% lên 988 triệu USD nhờ giá gạo xuất khẩu trung bình tăng.
Đây là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 48,6%. Do đó, việc Philippines áp giá trần đối với gạo khiến một số doanh nghiệp quan ngại sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Trao đổi với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, lo lắng các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mất khách hàng do giá hiện tại ở mức quá cao.
“Các nhà nhập khẩu của Philippines sẽ buộc phải tìm đến nguồn hàng giá rẻ, để sau khi tính toán các chi phí, giá bán thấp hơn mức giá trần mà chính phủ đưa ra. Trong khi hiện tại giá gạo của Việt Nam neo ở mức cao do đang ở thời điểm cuối vụ, không còn nhiều hàng cho xuất khẩu. Họ sẽ tìm đến quốc gia nào nào muốn bán hàng, trả giá phù hợp. Những quốc gia xuất khẩu nào còn nhiều hàng tồn kho cộng thêm áp lực thời gian quay vòng mùa vụ ngắn, chỉ 3 - 4 tháng, sẽ tìm các bán ra với mức giá thấp hơn thị trường.”, ông Có nói.
Tính đến ngày 7/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo của Thái Lan và 20 USD/tấn so với Pakistan. Tuy nhiên, mức giá hiện tại đã giảm khoảng 10 - 15 USD/tấn so với cuối tháng 8.
“Theo tôi được biết một số doanh nghiệp bị Philippines huỷ đơn hàng và công ty chúng tôi cũng nằm trong số đó. Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vào khoảng 10, điều này khiến áp lực phải bán ra cao hơn, ảnh hưởng tới giá”, ông Có cho biết.
Mức độ ảnh hưởng chung sẽ không quá lớn
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác cho rằng việc Philippines áp giá trần đối với gạo trong nước không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết quyết định này của Philippines chỉ ảnh hưởng đối với gạo Việt Nam trong mấy ngày đầu. Hiện hàng tồn kho của Việt Nam cho xuất khẩu còn ít, trong khi còn nhiều hợp đồng xuất khẩu sang các quốc gia khác, không riêng Philippines.
“Gạo Việt Nam có ảnh hưởng bởi lệnh áp trần giá gạo. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều và chỉ trong ngắn hạn. Giá gạo xuất khẩu vẫn được giữ ổn định ở mức cao vì hàng không còn nhiều. Hiện chúng tôi còn nhiều hợp đồng chủ yếu tập trung ở thị trường Châu Phi và Trung Đông còn Philippines ít”, ông Thành cho biết.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng khẩu vị của người tiêu dùng Philippines ưa chuộng gạo thơm của Việt Nam hơn so với gạo các nước khác. Trong khi giá gạo Việt Nam cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với quốc gia khác cũng không phải quá lớn để Philippines thay đổi nhà cung cấp. Phần chênh lệch này nếu chia ra đầu đơn vị bán lẻ là kilogram thì càng nhỏ, người tiêu dùng vẫn chấp nhận được.
Ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp, ước tính lượng hàng tồn kho cho xuất khẩu Việt Nam chỉ còn khoảng 1,3 - 1,8 triệu tấn. Trong khi các quốc gia vẫn đang trong vòng xoay El Nino dự kiến kéo dài đến tháng 1/2024. Do đó, việc Philippines áp giá trần đối với gạo không quá đáng ngại vì nhu cầu của thị trường này vẫn lớn.
Nếu nguồn cung Việt Nam và Thái Lan ít dần, giá gạo sẽ còn tăng lên. Khi đó, Philippines có thể đàm phán với Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu với gạo với giá chiết khấu.
Hôm 7/9, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr
Hai bên cũng nhất trí sớm trao đổi và ký kết một hiệp định liên Chính phủ về hợp tác thương mại gạo để cùng nhau bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực trước những biến động phức tạp của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thời gian qua.
Theo trang The Manila Times, hợp đồng cung cấp này dự kiến kéo dài trong 5 năm. Theo số liệu của Hải quan Philippines, nước này nhập khẩu gần 2,8 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 90% lượng gạo nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam, tăng 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan đứng thứ hai với 4,4%.
Những lo ngại về việc các thương nhân, nhà bán lẻ của Philippines thua lỗ khiến họ có thể huỷ hợp đồng nhập khẩu được xoa dịu khi mới đây nước này tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ.
Theo trang One News, Giám đốc Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA), ông Gerald Glenn Panganiban khẳng định việc áp trần đối với giá gạo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, sau khi một số thương nhân phàn nàn rằng họ thua lỗ.
Trước khi triển khai, quan chức DA cho biết các kho lưu trữ đã được kiểm tra, cho thấy có đủ nguồn cung gạo. Thời hạn của lệnh này chưa được xác định cụ thể mà sẽ dựa trên tình hình ổn định của giá gạo.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi giá hàng tuần để xem liệu có thay đổi hay giá sẽ ổn định hay không, sau đó DA và Bộ Thương mại và Công nghiệp có thể đề xuất dỡ bỏ lệnh áp trần giá gạo”.
Để giảm giá gạo, DA sẽ đảm bảo đối thoại liên tục với các nhà bán lẻ, thương nhân và nhà nhập khẩu. Đối với việc thúc đẩy sản xuất, DA cũng đang tăng cường cơ sở tín dụng thông qua Hội đồng chính sách tín dụng nông nghiệp.
Chính quyền địa phương đang có những biện pháp hỗ trợ; chẳng hạn như miễn hoặc giảm phí thuê mặt bằng ở các chợ công cộng, giảm bớt tác động của giá trần gạo. Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội (DSWD) hỗ trợ tiền mặt cho các nhà bán lẻ gạo nhỏ, những người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi trần giá gạo.
Thư ký DSWD, ông Rex Gatchalian cho biết cơ quan này sử dụng Chương trình Sinh kế Bền vững (SLP) để giúp đỡ các nhà bán lẻ gạo nhỏ, những người có thể thua lỗ do “giá trần tạm thời”.Gatchalian cho biết SLP hiện có ngân sách 5,5 tỷ peso, có thể được sử dụng ngay lập tức để giúp giảm bớt tác động của trần giá đối với gạo, đặc biệt là đối với các nhà bán lẻ gạo nhỏ có lượng tồn kho rất nhỏ.