|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bang California nhờ tỉ phú Warren Buffett phá hủy 4 đập thủy điện

12:13 | 01/08/2020
Chia sẻ
Thống đốc Gavin Newsom đã trực tiếp kêu gọi nhà đầu tư Warren Buffett giúp đỡ phá hủy 4 đập thủy điện trên con sông dọc biên giới hai bang Oregon-California để bảo vệ quần thể cá hồi sắp cạn kiệt.
Thống đốc California nhờ Warren Buffett giúp phá 4 đập thủy điện - Ảnh 1.

1 con đập trên sông Klamath. Ảnh: AP

Hôm 29/7, ông Newsom gửi thư cho Warren Buffett, kêu gọi nhà đầu tư huyền thoại ủng hộ dự án Sông Klamath – công cuộc phá đập lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo AP, 4 đập trên sông Klamath thuộc sở hữu của PacificCorp, công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway.

Dự án 450 triệu USD sẽ định hình lại con sông lớn thứ hai ở California và các hồ chứa khổng lồ trống rỗng tại đây. Dự án cũng có thể giúp hồi sinh quần thể cá hồi bằng cách mở lại hàng trăm km môi trường sống đã bị chặn trong hơn một thế kỉ.

Hành động này có thể sẽ hỗ trợ cho các bộ lạc người Mỹ bản địa nằm rải rác trên hàng trăm dặm ở miền nam Oregon và miền bắc California sống dựa vào đánh bắt cá hồi.

Ông Newsom viết "Dòng sông bị bệnh và các bộ lạc Lưu vực Klamath đang phải chịu khổ", ông gọi dự án phá hủy đập là "ví dụ sáng chói về những gì chúng ta có thể thực hiện khi hành động theo các giá trị của nước Mỹ".

Lá thư được gửi tới Warren Buffett, Chủ tịch của Berkshire Hathaway kiêm Giám đốc PacifiCorp.

Những nỗ lực để loại bỏ các con đập và khôi phục lưu vực đã diễn ra trong hàng chục năm. Ông Newsom ủng hộ thỏa thuận năm 2016, theo đó công ty điện PacifiCorp sẽ chuyển giấy phép thủy điện liên bang đối với 4 con đập cho liên hiệp phi lợi nhuận Klamath River Renewal Corp để giám sát việc phá hủy.

PacifiCorp được phép tính thêm tiền cho khách hàng để loại bỏ các con đập. Theo đó, những người mua điện PacifiCorp sẽ đóng góp tổng cộng 200 triệu USD. Kế hoạch cũng cho phép PacifiCorp tránh phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí bổ sung. Dự án sẽ có thêm 250 triệu USD từ số trái phiếu bang California phát hành. 

Nhưng hai tuần trước, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã đưa ra một quyết định có thể đe dọa thỏa thuận trên. Cơ quan này đã phê duyệt việc chuyển nhượng giấy phép với điều kiện PacifiCorp vẫn phải đứng tên cùng chịu trách nhiệm với với Renewal.

Ủy ban cho biết họ tin liên hiệp phi lợi nhuận Renewal có đủ khả năng thực hiện dự án và lo ngại rằng PacifiCorp "có tài chính hạn chế và không có kinh nghiệm về vận hành đập thủy điện hoặc loại bỏ đập".

"Nếu Renewal là chủ thể được cấp phép duy nhất, liên hiệp này có thể phải đối mặt với những vấn đề mà họ không biết cách xử lí", AP dẫn lời Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.

Chủ tịch Pacific Power thuộc sở hữu của PacifiCorp viết thư gửi tới ông Newsom hôm 30/7: Quyết định của Ủy ban tạo ra những thách thức "đáng kể" nhưng công ty tin tưởng có thể làm việc với các bên liên quan trong dự án để "vạch ra giải pháp cân bằng một lần nữa".

"Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại của ngài thống đốc về sự tiến bộ xã hội và môi trường, đồng thời cam kết giải quyết các tác động văn hóa và cộng đồng sâu sắc này".

Một số bộ lạc cũng như các nhóm đánh bắt và bảo tồn đã ban hành một tuyên bố chung kêu gọi sự hỗ trợ từ Warren Buffett.

"Việc rút khỏi thỏa thuận sẽ khiến khách hàng của PacifiCorp phải chịu tất cả rủi ro và trách nhiệm liên quan đến việc giết cá, tảo độc, kiện cáo và vi phạm quyền của các bộ lạc. Chúng tôi kêu gọi Warren Buffet và PacifiCorp đừng chậm trễ nữa và bắt đầu quá trình loại bỏ các con đập ngay lập tức", bản tuyên bố viết.

Giang