Bản tin tài chính ngày 17/8: Tỷ giá USD ngân hàng đồng loạt giảm sâu, giá bitcoin chững lại
Bản tin tài chính hôm nay (17/8) nổi bật với các tin sau:
1. Tỷ giá USD ngân hàng đồng loạt giảm sâu
Chiều nay (17/8), trong khi giá USD tự do vẫn bám trụ ở mức cao 23.620 – 22.650 VNĐ/USD thì tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng lại bất ngờ giảm mạnh.Tính đến 16h30, giá mua USD ở các ngân hàng dao động từ 23.230 – 23.265 VNĐ/USD, giá bán USD từ 23.324 – 23.350 VNĐ/USD.
Tỷ giá USD tự do tiếp tục được giao dịch ở mức giá cao 23.620 – 23.650 VNĐ/USD.
Ảnh minh họa |
2. Tăng vốn ngân hàng: Lên kế hoạch nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu
Năm 2018, gần như tất cả ngân hàng trong hệ thống đều đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính được công bố, chỉ có 4 ngân hàng điều chỉnh vốn điều lệ trong 6 tháng đầu năm 2018 gồm SHB, ACB, LienVietPostBank, TPBank, Bac A Bank.
Ngân hàng Bắc Á, LienVietPostBank, MBBank, VietBank, NCB, Kienlongbank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. SeABank, SHB lại dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. HDBank hướng tăng vốn bằng cách chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông và phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP). Tuy nhiên, tốc độ thực hiện tăng vốn của các nhà băng vẫn còn khá chậm.
3. Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm đối tác của HDBank lên B1
Mức xếp hạng dài hạn rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của HDBank được Moody’s nâng một bậc, cùng lúc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Việc Moody’s nâng bậc xếp hạng rủi ro đối tác của HDBank cho thấy năng lực của HDBank trong thực thi các nghĩa vụ tài chính với bên đối tác.
Cuối năm 2017, Moody’s cũng nhận định về kế hoạch IPO là điều tích cực cho xếp hạng tín nhiệm của HDBank.
4. Standard Chartered: USD sẽ sớm quay lại xu hướng giảm giá
Báo cáo Triển vọng thị trường toàn cầu tháng 8/2018 của bộ phận Quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Standard Chartered vừa phát hành nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì tích cực (ở mức trên trung bình), mặc dù đà tăng trưởng chậm lại ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các nền kinh tế mới nổi cũng phải đối mặt với những thách thức từ việc đồng USD mạnh lên nhưng tổ chức này nhận định, điều này sẽ không kéo dài.
Tuy nhiên, rủi ro chính với các dự báo trên là khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện, thanh khoản thị trường xấu đi và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
5. Đôla Úc cũng là nạn nhân của cuộc chiến thương mại
Giảm 9% trong 6 tháng qua, đồng đôla Úc cũng giống như đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối nước ngoài đã rớt giá mạnh nhất trong lịch sử vào tháng 8 khi các nhà đầu tư gắn chặt triển vọng của hai nền kinh tế này.
Thế nhưng ngay cả khi thế giới đang gắn Úc với Trung Quốc, những tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn không được cảm nhận ở Sydney. Trung Quốc nhập khẩu quặng sắt của Úc để sản xuất thép cho cơ sở hạ tầng và nhà ở; đồng thời cũng góp phần lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu giáo dục của Úc, nhưng các ngành này hầu như không liên quan đến tranh chấp Mỹ-Trung.
6. Giá bitcoin hôm nay (17/8) chững lại, dấy lên hoài nghi về quỹ ETF bitcoin
Giá bitcoin hôm nay ghi nhận lúc 6h15 là 6.267,05 USD, gần như không đổi so với mức giá 24 giờ trước và vẫn duy trì vị thế thống trị thị trường ở mức 53,2%.
Thị trường hôm nay có sự biến động trái chiều của các đồng tiền khác nhau, khi số đồng tiền tăng và giảm gần như là như nhau trong nhóm 100 đồng tiền hàng đầu theo giá trị thị trường.
Tổng giá trị thị trường tiền kỹ thuật số hôm nay ghi nhận được vào lúc 6h07 theo CoinMarketCap là 204,2 tỷ USD không thay đổi nhiều trong 24h qua.