Bản tin tài chính ngày 14/9: Chi tiết về vụ cướp ngân hàng tại Tiền Giang; Vietcombank bán gần 54 triệu cổ phiếu MBB
Bản tin tài chính hôm nay (14/9) nổi bật với các tin sau:
1. Ngân hàng thương mại đồng loạt chặn giao dịch tiền ảo, Bitcoin
Một số ngân hàng (NH) thương mại gần đây đã gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền ảo. Điều này nhằm thực hiện chỉ thị của NH Nhà nước về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Được biết những giao dịch liên quan đến tiền ảo, Bitcoin… có thể được phát hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận chống rửa tiền, quản lý rủi ro của từng NH. Dù vậy, việc kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và rà soát, báo cáo giao dịch tiền ảo cũng gặp khó khăn.
Ảnh minh họa |
2. Vụ cướp ngân hàng tại Tiền Giang: VietinBank thông tin về số tiền bị cướp
Liên quan đến vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Phòng giao dịch Châu Thành (Tiền Giang), ngày 14/9 ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Tiền Giang, cho biết sau khi kiểm đếm, phía ngân hàng đã xác định số tiền bị cướp vào chiều 13.9 là 945 triệu đồng.
Ngoài ra, hình ảnh từ camera an ninh cho thấy nghi phạm cướp ngân hàng dùng một vật giống súng đe dọa các nhân viên tại ngân hàng đề cướp tiền rồi ung dung tẩu thoát.
3. Ngân hàng được cung cấp thông tin khách hàng trong những trường hợp nào?
Ngày 11/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là ngân hàng).
Theo Nghị định 117 mới ban hành, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong trường hợp tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội hoặc có sự chấp thuận của khách hàng.
4. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam cần linh hoạt hơn trong xử lý tỷ giá hối đoái
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc giữ giá tiền đồng mặc dù ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất nhưng lại giúp hỗ trợ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, ông cũng cho rằng, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát một cách linh hoạt với mục tiêu dưới 4% trong năm 2018. Con số này cũng là một mức mang tính chất biểu thị và không cứng nhắc.
5. Sau khi thoái vốn khỏi OCB, Vietcombank đăng bán gần 54 triệu cổ phiếu MBBank
Theo thông báo từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Vietcombank đã đăng ký bán đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội đang nắm giữ.
Mức giá khởi điểm dự kiến là 19.641 đồng/cp, mức giá này thấp hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu MBB (chốt phiên ngày 13/9 là 22.800 đồng/cp). Ước tính theo giá khởi điểm, tổng giá trị đợt bán ra cổ phiếu này của Vietcombank khoảng 1.049 tỷ đồng.
6. Kiều hối về Việt Nam tương đương vốn đầu tư FDI
Báo cáo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố mới đây cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), cho thấy đến cuối năm 2016, kiều hối gửi về TP HCM chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam, trong đó 70% được chuyển sang hoạt động kinh doanh và 20% cho bất động sản.