'Bàn tay thép' để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Luật riêng về tái cơ cấu và XLNX
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2017 là tái cơ cấu (TCC) và xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD. Tuy được tất cả các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đánh giá rất cao NHNN và hệ thống NH trong việc xây dựng Đề án TCC và XLNX trong 5 năm qua, nhưng Thống đốc đã thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đang cản trở quá trình này với cả những lý do chủ quan cũng như khách quan. Những tồn tại đó đã được nhà điều hành gom lại thành một đề án sẽ triển khai trong 5 năm tới.
Tái cơ cấu và XLNX là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2017 |
Với các TCTD, ngay sau khi Đề án tái cơ cấu 5 năm gắn với XLNX được Chính phủ phê duyệt, NHNN chỉ đạo toàn bộ TCTD, kể cả những TCTD tốt hay những TCTD còn những tồn tại hạn chế đều phải có đề án của riêng mình gắn với lộ trình tổng thể của hệ thống NH trong 5 năm tới.
Thống đốc lưu ý, quan điểm của NHNN là không có sự phân biệt NH lớn hay NH nhỏ mà mọi thành viên đều bình đẳng dựa trên việc xác định NH nào yếu kém, hoặc có những yếu kém cần phải xử lý hay NH nào đang hoạt động lành mạnh, hiệu quả hay chưa mà thôi. “Đây là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện sớm ngay từ đầu năm 2017.
Chúng tôi tin rằng khi Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án đó, hệ thống NH có lộ trình tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất” - Thống đốc nhấn mạnh. Thông tin tích cực nhất đối với hệ thống NH nói riêng, nền kinh tế nói chung đó là Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ cũng đã đồng ý để có luật mới hỗ trợ TCC và XLNX. Dự thảo luật được dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2017.
Trong các biện pháp giải quyết TCC, XLNX, NHNN cũng trình Chính phủ thành lập Ban Đề án chỉ đạo trực tiếp cơ cấu lại hệ thống TCTD yếu kém gắn với XLNX năm 2016 - 2020. Đặc biệt, NHNN đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban.
Là luật sư, lại hoạt động trong ngành NH, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, lẽ ra luật này phải ra đời cách đây mấy năm rồi. “Giờ bắt tay vào làm là quá đúng, cấp bách rồi. Thà muộn còn hơn không. Bởi nếu không giải quyết các vấn đề về pháp lý, cụ thể là sửa luật thì XLNX không thể nào giải quyết triệt để được. Thời gian XLNX sẽ là vô thời hạn”, luật sư Đức khẳng định.
Nhanh nhưng phải thấu đáo
Một chuyên gia NH đặt vấn đề, để đưa ra một luật đặc biệt xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế như nợ xấu không hề dễ dàng. Trong quá trình dự thảo, ban soạn thảo phải đưa ra các tình huống, hướng xử lý phải có đối chiếu chéo luật liên quan để hài hoà không chồng chéo, cũng như tránh các luật “va đập” quá nhiều.
Theo vị này, nếu gỡ hết các vướng mắc trong quá trình XLNX thì luật mới này phải “đụng” đến gần chục luật khác. Như vậy, phải có quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị thì Luật TCC, XLNX mới phát huy được công năng, nếu không sẽ khó xử lý triệt để được các vấn đề. “Vấn đề là chúng ta quyết tâm đến đâu, đã quyết là sẽ làm được”, vị này đưa ra quan điểm.
NH mạnh dạn cho vay hơn nếu được pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ |
Quy định cần phải tập trung tháo gỡ nhất trong luật này, theo luật sư Trương Thanh Đức đó là bán tài sản, thu giữ TSBĐ chủ yếu là bất động sản. Mọi thủ tục liên quan đến vấn đề xử lý TSBĐ phải rút gọn mới đẩy nhanh khối tài sản bất động trong nhiều năm qua lưu thông vào nền kinh tế. Chỉ cần xác định tài sản đó đúng là của người vay thế chấp để vay vốn thì có thể chỉ là vài tháng sau đã có thể cho phép người cho vay thanh lý tài sản chứ không thể chờ đợi 3 - 5 năm, thậm chí cả chục năm để giải quyết như trước nữa.
“Chúng ta làm nghiêm, mạnh tay một vài vụ việc như vậy, những người đi vay sẽ phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu không họ cứ nhìn nhau không ai chịu thực hiện. Như thế các vụ việc xử lý tài sản nhùng nhằng, rơi vào bế tắc. Người cho vay vẫn sẽ rơi cảnh đứng cho vay, quỳ thu nợ. Như thế NH không dám cho vay” - ông Đức nhấn mạnh đến sự thay đổi tư duy trong xây dựng luật cần bảo vệ người cho vay nhiều hơn người đi vay.
Muốn đảm bảo luật có chất lượng cao, giải quyết triệt để nợ xấu, cũng như tái cơ cấu một cách hiệu quả nhất, lành mạnh hoá hệ thống NH, theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực: Thứ nhất, cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ, thấu đáo và bám sát những gì đang vướng mắc, có thể là xin ý kiến của các bộ, ngành, các TCTD có liên quan… để tránh hiện tượng luật được ban hành một thời gian, thấy vướng mắc lại sửa. Thứ hai, trình tự làm luật phải đủ các bước xin ý kiến nhưng phải hết sức khẩn trương vì từ nay đến tháng 5/2017 không còn nhiều thời gian. Thứ ba, luật cũng nên ngắn gọn không quá chi tiết. Phần còn lại sẽ là “nhiệm vụ” của nghị định, thông tư hướng dẫn.
Quá trình dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn cũng phải thực hiện song song để sau khi luật được ban hành đi vào cuộc sống nhanh chóng khẩn trương và kịp thời. Thứ tư, ngôn ngữ của luật phải hết sức rõ ràng, tránh hiện tượng mơ hồ, khó hiểu có thể gây tranh cãi xin ý kiến, giải trình sẽ mất nhiều thời gian. Cuối cùng, tăng cường công tác truyền thông để luật thực sự đi vào cuộc sống, trên tinh thần là không quá cầu toàn nhưng cũng phải cầu thị.
Một vấn đề được lưu ý là có nên đưa quy định “khoanh vùng” thời điểm phát sinh nợ xấu vào Luật TCC, XLNX hay không. Bởi, trước đó đã có những đề xuất XLNX trong thời điểm 2008 - 2013, hoặc chốt chặn nợ xấu phát sinh vào thời điểm cuối năm 2015… Về vấn đề này, theo quan điểm của nhiều chuyên gia không dễ “khoanh vùng”, bởi rất nhiều khoản nợ xấu dai dẳng kéo dài từ thời kỳ trước đó.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng vấn đề này. Đối với thời gian thi hành luật, theo quan điểm của TS. Lực không nên đưa ra một mốc thời gian cụ thể, mà thực hiện như nhiều nước trên thế giới, luật đặc biệt này sẽ hết hiệu lực khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu có vấn đề phát sinh, có thể giao cho Chính phủ đề xuất để trình Quốc hội quyết định.