Bán startup: Quyết định của kẻ thức thời hay doanh nhân thất bại?
"Năm 2015, hãng thời trang danh tiếng Fossil hoàn tất việc mua lại công ty khởi nghiệp Misfit của doanh nhân Việt kiều Sonny Vũ, tạo ra một phi vụ đình đám trong giới khởi nghiệp toàn cầu. Nếu là Sonny Vũ, bạn sẽ đồng ý bán dự án hay tiếp tục phát triển nó thành công hơn?".
Đó là đề bài giải quyết tình huống đặt ra cho các sinh viên khách mời tham dự buổi chung kết trao giải Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, chỉ ít phút trước khi kết quả chung cuộc được công bố.
Nhiều người cho rằng một dự án đang phát triển, không có dấu hiệu lung lay thì không việc gì phải bán startup. |
Một bài toán đơn giản chỉ với hai đáp án "bán", "không bán". Thậm chí, kết quả đã có. Nhưng những khách mời, giám khảo ngày hôm đó đã trải qua những giây phút hào hứng không kém phần tranh tài của ba thí sinh.
Một doanh nhân từng nói, nếu như "khởi nghiệp" là từ khóa hot nhất hiện nay thì đến một lúc nào đó "cần bán startup" sẽ là cụm từ thay thế. Một trong những vấn đề của bạn trẻ khởi nghiệp là có nên tiếp tục với đứa con tinh thần của mình không, khi mọi thứ đã cạn kiệt và không còn hy vọng. Khi có bàn tay của nhà đầu tư chìa ra, bạn nên trao nó hay lâm vào cảnh "bỏ thì thương vương thì tội".
Hiện nay vòng đời của sản phẩm công nghệ rất ngắn. Vì vậy rủi ro của dự án luôn cao hơn tất cả các loại hình khởi nghiệp khác. Công nghệ phát triển rất nhanh. Hôm nay bạn ra mắt một sản phẩm, ngày mai sẽ có cái thay thế. Làm sao bạn có thể tích hợp cái sau và cái trước, giữa điện thoại và đồng hồ nếu những nhà sản xuất đó không đồng ý cho bạn tích hợp? Nếu sản phẩm của bạn không chạy trên platform của hãng khác, bạn sẽ thất bại.
Bán ngay khi thấy mình không đủ khả năng đem lại cho dự án tương lai tươi sáng hơn. Để nó vào tay người khác, bạn vẫn có hạnh phúc khi nhìn nó lớn mạnh hơn nhờ sự vun đắp mà chính bạn đã góp công khi trao nó vào tay người giỏi hơn mình". Phát biểu ấy của một nữ sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận được khá nhiều đồng tình. Đa phần cho rằng bán startup là quyết định chính xác.
Một sinh viên tên Huy (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, khi đã mất hết lòng tin vào tiềm năng phát triển thì nên trung thực với chính mình để biết từ giã nó. Cho nên việc giao lại đứa con tinh thần cho người khác nuôi dưỡng là hoàn toàn hợp lý. Có những thứ mà mình nghĩ không còn sử dụng được nữa lại là một kho báu đối với người khác.
Những giám khảo và khách mời đã vô cùng bất ngờ khi nghe bạn Minh Tú (Đại học Ngân hàng) "cướp diễn đàn" với sự hiểu biết sâu sắc và đầy ắp thông tin trong cách giải quyết: "Nhà sáng lập Misfit Sonny Vũ ban đầu không hề muốn bán dự án, nhưng Fossil đã đến và đưa ra thông điệp về một thương hiệu lớn có hệ thống phân phối và marketing trên toàn cầu. Misfit có nhân lực mạnh về công nghệ đủ sức giúp Fossil xây dựng các dòng sản phẩm mới và tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm đã được thị trường tiêu dùng đón nhận. Nếu về tay Fossil, sản phẩm của Misfit sẽ có mặt trong những cửa hàng sang trọng. Là người gốc Việt, Sonny Vũ cũng chủ trương không về Việt Nam để sản xuất hay bán sản phẩm, dù phụ kiện (wearable) y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động (mobile health) cùng ứng dụng và website của Misfit đã được dịch sang 17 ngôn ngữ. Ngay cả việc sản xuất bao bì tại Việt Nam cũng không thực hiện. Fossil đã chia sẻ với Sonny Vũ về tầm nhìn lâu dài để đưa Misfit thành một tên tuổi lớn. Chính điều đó đã thuyết phục Sonny Vũ và các đồng sáng lập đồng ý bán dự án. Thương vụ đã thành công với giá 260 triệu USD trong đó 250 triệu USD tiền mặt và 10 triệu USD phí hoàn tất thương vụ”.
Tất nhiên cũng có ý kiến trái chiều khi cho rằng một dự án đang phát triển, không có dấu hiệu lung lay thì không việc gì phải "gả chồng". Vấn đề khiến nhiều startup bỏ cuộc nhất là hết vốn duy trì. Nhưng "khi bạn theo đuổi mục tiêu tới cùng, tôi tin bạn sẽ đạt được nó, bởi nếu còn thở thì chúng ta vẫn có thể xoay chuyển được. Steve Jobs - người gắn liền tên tuổi với Apple lừng danh từng nói rằng sự khác biệt giữa thành công và thất bại là kiên trì. Và kiên trì luôn khác với ngoan cố” - Quốc Bảo (sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế - Luật) đưa ra những phân tích chuyên môn về marketing.
Quốc Bảo chia sẻ trải nghiệm cá nhân: "Hơn một năm trước, tôi bắt tay vào khởi nghiệp. Chúng tôi dồn hết sự hào hứng và tâm huyết với nó. Làm quên mệt mỏi. Lúc đó tôi nặng 55kg, sau một năm, tôi còn dưới 40kg. Trung bình cứ một tháng tôi giảm hơn 1kg. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã bán dự án và rất hối tiếc vì không còn đủ kiên trì cho nó. Nhưng nếu được trở lại, chúng tôi sẽ không bán dự án đó”.
Vị giám khảo kỳ cựu nhiều cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can - Lại Minh Duy, Giám đốc Công ty Du lịch TST bị hút vào không khí tranh luận của giới trẻ, bằng một câu chuyện: "Cách nay ba năm, có một doanh nhân gặp tôi khoe "Em đã bán hơn 60% công ty và cảm thấy rất hạnh phúc". Vì sao bán đi đứa con của mình lại hạnh phúc? Tôi hỏi lại.
"Sau 7 năm làm thương mại, khi gặp được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh tốt, em cảm thấy đứa con em nuôi dưỡng trưởng thành, nếu có sự chung tay của nhiều người cha người mẹ, nó sẽ trưởng thành nhanh. Ngày nay nhìn 35% cổ phần còn lại em cảm giác đứa con của em đi vào một giai đoạn mới đầy hạnh phúc". Không phải lúc nào cũng có suy nghĩ bán đi là mất. Mất hay còn là do mình suy nghĩ, là do mình đi cùng với nó, đi ở lĩnh vực nào với đứa con mình tạo nên".
Phần thưởng trị giá 1 triệu đồng đã thuộc về bạn trẻ "mỗi tháng sụt hơn 1kg" - người đã tâm sự chỉ biết lễ trao giải trước đó vài tiếng đồng hồ và quyết định đến xem để "ủng hộ những người bạn luôn có tâm huyết với khởi nghiệp". Cách anh bạn ấy thuyết phục được mọi người không chỉ là lý thuyết với những phương pháp về marketing từ giảng đường, mà bởi chính trải nghiệm thực tế vất vả để rút ra bài học "niềm tin là thứ phải luôn sẵn có trong con người một doanh nhân, dù chỉ là doanh nhân ở mức khởi nghiệp".
Đề bài giải quyết tình huống trên khá đơn giản nhưng thấy được cách giới trẻ hiện nay nhìn nhận về khởi nghiệp bởi không chỉ là tâm huyết mà còn ở những kiến thức và cách kiến giải vấn đề trước khi đi đến đáp án cuối cùng.