|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways sau nửa năm hoạt động: Thành quả và những thách thức phía trước

08:13 | 18/07/2019
Chia sẻ
Cất cánh bay thương mại từ ngày 16/1, đến nay hãng hàng không Bamboo Airways do Tập đoàn FLC sở hữu 100% đã hoạt động được 6 tháng với gần 7.000 chuyến bay an toàn. Ngoài những thành quả, hãng bay này cũng gặp khải không ít khó khăn và thách thức.

Vận chuyển an toàn 1 triệu lượt hành khách, chiếm 4,2% thị phần

Sau 6 tháng vận hành, Bamboo Airways hiện đang khai thác 24 đường bay nội địa và 4 đường bay quốc tế đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và gần đây nhất là Macau. Các chặng bay ra nước ngoài của hãng đều đang hoạt động dưới dạng thuê nguyên chuyến (charter), hãng đang nghiên cứu để tiến tới bay định kì.

Ngày 12/7 vừa qua, Bamboo Airways đã đón hành khách thứ 1 triệu trên chuyến bay từ Hà Nội đi Quy Nhơn. Đây là con số được Cục trưởng Cục hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá là "khá ấn tượng" vì các hãng hàng không Việt Nam khác phải mất thời gian dài hơn để đạt con số 1 triệu khách này.

Theo thống kê của Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 30/6), Bamboo Airways đã thực hiện tổng cộng 6.700 chuyến bay, trong đó có 6.287 chuyến cất cánh đúng giờ, đạt tỉ lệ 93,8% cao nhất toàn ngành. Tất cả chuyến bay của hãng đều đảm bảo an toàn.

6t hang khong

Số chuyến khai thác và tỉ lệ đúng giờ của các hãng hàng không nửa đầu năm nay. Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam.

Bamboo Airways hủy 2 chuyến, thấp hơn nhiều lần (cả về số tuyệt đối và tỉ lệ trên tổng số chuyến) so với Vietnam Airlines, Vietjet Air và Vasco.

Trên bảng xếp hạng thị phần, Bamboo Airways đang chiếm 4,2%; đứng trên Vasco và sau ba hãng còn lại.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán MB, Bamboo Airways đạt được kết quả này là do chiến lược định giá vé rẻ để tăng nhận diện thương hiệu trong giai đoạn thâm nhập thị trường.

hang khong

Thị phần hàng không Việt Nam 6 tháng đầu năm. Nguồn số liệu: Cục Hàng không Việt Nam

Tạm thời chưa có lãi

Cuối tháng 5 vừa qua, Bamboo Airways thông báo dừng khai thác hai đường bay Hà Nội - Vinh và Hải Phòng - Cần Thơ từ ngày 1/6 vì lí do thương mại. Các đường bay còn lại vẫn hoạt động với tỉ lệ lấp đầy ghế trung bình trên 80% tuy nhiên hãng bay này vẫn chưa có lợi nhuận.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn FLC tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết – người đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways thẳng thắn chia sẻ: "Nhiều cổ đông hỏi Bamboo Airways có lợi nhuận chưa? Tôi xin trả lời là chưa, FLC còn đang phải bù lỗ".

Quyet FLC

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: FLC.

Nói về nguyên nhân thua lỗ, ông Quyết cho biết Bamboo Airways đang chuẩn bị nâng qui mô đội bay từ 10 chiếc hiện nay lên thành 30 chiếc. Trong khi chờ Bộ GTVT và Thủ tướng đồng ý, Bamboo Airways phải chuẩn bị tương đối sẵn sàng và đang duy trì bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng đủ cho khai thác 30 tàu bay.

"Bamboo Airways hiện chỉ khai thác 10 tàu nhưng phải duy trì đội ngũ phi công, tiếp viên, thợ máy, nhà xưởng hangar đủ cho 30-40 tàu nên mới thua lỗ", ông Quyết phân trần. Ông cũng kì vọng đến quí I/2020 hãng bay non trẻ này sẽ có lợi nhuận.

Tuy nhiên kì vọng này của ông Quyết phụ thuộc vào việc Bamboo Airways được Bộ Giao thông vận tải đồng ý nâng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc và kế hoạch này vẫn còn một số trở ngại nhất định.

Triển vọng mở rộng đội bay

Trong quí I năm nay, Bamboo Airways đã gửi hồ sơ lên cục Hàng không Việt Nam đề nghị cấp lại Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK).

Các nội dung được đề xuất thay đổi bao gồm: Ông Trịnh Văn Quyết làm Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật thay ông Đặng Tất Thắng, bổ sung danh sách chi nhánh, và tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỉ đồng và nâng qui mô đội bay từ 10 lên trên 30 tàu bay.

Riêng nội dung nâng qui mô đội bay, Cục Hàng không bày tỏ nhiều băn khoăn. Ngoài công tác chuẩn bị nhân lực và kế hoạch khai thác của Bamboo Airways, bản thân Cục không có đủ năng lực để giám sát số lượng tàu bay tăng thêm này.

Nhiều chuyên gia cho rằng lí do này của Cục hàng không là thiếu thuyết phục và cơ quan quản lí phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp chứ không phải hạn chế theo năng lực quản lí của mình.

Tại một cuộc họp vào cuối tháng 6, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất chủ trương tăng số lượng tàu bay của Bamboo Airways.

Nút thắt nhân lực và hạ tầng

Tuy nhiên, ngoài chuyện năng lực quản lí thì đề xuất mở rộng của Bamboo Airways còn liên quan đến các vấn đề khác như khan hiếm nhân lực và quá tải hạ tầng hàng không. Các vấn đề này khó có thể thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, giữa Bamboo Airways và hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã xảy ra tranh cãi gay gắt về nhân lực.

Vietnam Airlines thì cáo buộc hãng hàng không mới thành lập của Tập đoàn FLC có hành vi giành giật phi công, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của mình.

Bamboo Airways thì phản bác cho rằng cáo buộc này là hoàn toàn bịa đặt và rằng mình tuyển dụng công khai đúng qui định, theo cơ chế thị trường.

Không nói đến việc ai nhưng vụ việc này cho thấy ngành hàng không Việc nguồn nhân lực kĩ thuật cao trong đó có phi công.

Sau vụ việc, Bamboo Airways liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư xây dựng ba cơ sở đào tạo về hàng không tại Quảng Ninh, Bình Định và Cần Thơ; trong đó cơ sở tại Bình Định dự kiến được khởi công trong tháng 7 này.

Một công ty hàng không khác mới được thành lập đầu năm 2019 là Vinpearl Air cũng công bố chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài để đào tạo phi công, thợ máy, …

Tuy nhiên tất cả những dự án này phải sau vài năm nữa mới có thể cho ra lứa nhân lực được đào tạo đầu tiên. Trong khi chờ đợi, các hãng hàng không vẫn phải "giật gấu vá vai" để đáp ứng nhu cầu cho đội bay của mình.

Về hạ tầng, một số cảng hàng không quan trọng của Việt Nam như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, trở thành nút thắt trong nỗ lực phát triển của ngành.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MB nhận định các chặng bay kết nối Tân Sơn Nhất – Nội Bài – Đà Nẵng là những chặng có giá trị kinh tế cao nhờ lượt khách lớn cùng tỉ lệ lấp đầy tốt.

Các nhà ga nội địa vượt công suất thiết kế đã cản trở các hãng mở thêm đường bay nội địa mới cũng như tiếp tục tăng tần suất chuyến bay. Bamboo Airways đang gặp khó khăn trong việc gia tăng hiện diện tại các chặng bay này do thiếu hụt slot bay, Chứng khoán MB nhận định.

Kiên Dương, Song Ngọc