|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài 1: Vì sao ngành gỗ luôn thiếu nguyên liệu ?

04:30 | 30/06/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 8/2020. Để các cơ hội trong EVFTA thành hiện thực phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp, trong đó vấn đề đầu tiên đối với mọi ngành đều là nguồn gốc xuất xứ.

Bài toán nguyên liệu đối với ngành gỗ chưa có lời giải dù Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về lâm nghiệp.

Gỗ nguyên liệu: "thừa mà thiếu"

Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội thông qua hồi đầu tháng 6/2020 và dự kiến sẽ có hiệu lực trong tháng 8/2020. 

Trong EVFTA, ngành gỗ được cho là sẽ được hưởng lợi rất lớn và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng trước "cánh cửa" vào thị trường EU rất rộng mở. 

Tuy nhiên, để bước qua được, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải đáp ứng được đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn khắt khe của EU nói chung và từng thành viên EU nói riêng. Trong đó, tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu là bắt buộc.

Bài 1: Vì sao ngành gỗ luôn thiếu nguyên liệu ? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ luôn đối mặt với vấn đề thiếu gỗ nguyên liệu đạt chuẩn (có chứng chỉ FSC)

Đáng nói là Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về lâm nghiệp, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào trong nước.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2019 cho thấy, nguyên liệu gỗ trong nước đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu sản xuất. 

Tuy nhiên, trong 75% đó tỷ lệ nguyên liệu gỗ đạt chất lượng cao không nhiều, mà phần lớn là chất lượng gỗ còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non. Bên cạnh đó, tỷ lệ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất thấp.

Trong khi, để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào 100% phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Tức là phải có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ gỗ - FSC. Chất lượng và độ tuổi của gỗ cũng đòi hỏi khắt khe. Nếu với thực trạng trồng rừng chỉ 4 – 5 năm khai thác thì chất lượng khó đảm bảo được các yêu cầu của EU.

Cấp chứng chỉ rừng – lời giải cho bài toán nguyên liệu gỗ

Để quản lý và phát triển rừng bền vững, gắn với việc khai thác gỗ nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai, khuyến khích việc cấp chứng chỉ rừng (CCR) cho rừng trồng. Đây cũng được coi là lời giải cho bài toán gỗ nguyên liệu có chứng nhận FSC làm đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Bài 1: Vì sao ngành gỗ luôn thiếu nguyên liệu ? - Ảnh 2.

Thực hiện chứng chỉ rừng cho rừng sản xuất là lời giải cho "bài toán" nguồn gốc xuất xứ gỗ sang thị trường EU

Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết, CCR là một trong những biện pháp tốt, kích thích bằng lợi ích xuất khẩu cho các chủ rừng (là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ/nhóm hộ gia đình). 

Khi đạt được chứng chỉ về quản lý rừng, chủ rừng không những bán được lâm sản ở mọi thị trường quốc tế và với giá cao hơn từ 15% - 20%, tùy theo cấp kính và chất lượng gỗ so với gỗ không có chứng chỉ. 

Bên cạnh đó, đây cũng là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp gỗ Việt Nam có nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ để chế biến, xuất khẩu ra nước ngoài. 

Hiện trong nước có rất nhiều công ty chế biến đã có chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC); tuy nhiên nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ (FM) để đưa vào chế biến sản phẩm gỗ còn thiếu mà các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các châu lục.

Tại Quảng Nam, đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 4.426ha diện tích rừng trồng sản xuất được cấp CCR với 3 mô hình được cấp chứng chỉ. 

“Nhìn chung, diện tích rừng trồng sản xuất đã được cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn của tỉnh trong thời gian còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; do vậy, trong thời gian đến cần phải tranh thủ các nguồn lực để tăng nhanh diện tích quản lý rừng bền vững tiến tới cấp chứng chỉ rừng trồng”, ông Hưng nói.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi Cục kiểm lâm tỉnh cho biết, tổng diện tích rừng trên địa bàn hơn 300.000ha, trong đó, rừng tự nhiên là 211.373ha, rừng trồng gần 100.000ha. 

Hiện nay trên địa bàn có khoảng 8.000ha được cấp chứng chỉ rừng, trong đó hơn 3.000ha thuộc các công ty lâm nghiệp quản lý, 5.000ha là của các hộ gia đình, cá nhân.

Quảng Trị hiện là điểm sáng trong việc liên kết và thực hiện cấp CCR. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 22 chi hội nhóm có CCR được thành lập với 536 hội viên, tổng diện tích rừng trồng để CCR là hơn 23.400ha.

Trong gian đoạn 2014-2019, tại các chi hội thuộc Hội CCR Quảng Trị đã có một số đơn vị có thành viên khai thác rừng và bán gỗ có CCR FSC với diện tích 584,8ha, với khối lượng 58.528 tấn.

Ông Hoàng Đức Doanh - Chủ tịch Hội Các nhóm có CCR Quảng Trị - cho biết, mô hình cấp CCR cho nhóm hộ gia đình quy mô nhỏ được triển khai tại Quảng Trị là mô hình thành công đầu tiên của Việt Nam nên được nhiều đối tác quan tâm, hỗ trợ. 

Hội cũng được hỗ trợ nguồn kinh phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC từ đối tác, doanh nghiệp, sự hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo từ Dự án Phát triển nông thôn Bắc miền Trung (Tổng công ty Thương mại Quảng Trị). 

Ngoài ra, Hội đã kết nối thành công giữa người sản xuất trực tiếp với doanh nghiệp chế biến nên có đầu ra của sản phẩm ổn định, giá thành cao hơn giữa gỗ có chứng chỉ và gỗ không có chứng chỉ FSC đã khích lệ nhiều chủ rừng tham gia Hội, thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Theo bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, với định hướng của chiến lược lâm nghiệp quốc gia về phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm gỗ rừng trồng và tiềm năng rừng trồng sản xuất của chủ rừng quy mô nhỏ trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2024, diện tích rừng được cấp chứng chỉ trên địa bàn phấn đấu đạt 4.500 - 5.000ha, góp phần vào chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp của tỉnh, tăng thu nhập cho người trồng rừng và tự chủ về tài chính cho chủ rừng. 

Nguyễn Tuấn - Vũ Lê