Bắc Kinh giục ngân hàng bơm vốn cho doanh nghiệp ngành than
Trong một tuyên bố mới, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã kêu gọi các ngân hàng và tổ chức tài chính nên ưu tiên cho các công ty khai khoáng và nhà máy phát điện đủ tiêu chuẩn vay vốn.
Mục đích của chỉ thị mới là giúp doanh nghiệp tăng sản lượng than nhiệt cũng như thúc đẩy sản lượng điện nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại và chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho mùa đông sắp tới.
Để ổn định giá cả trên thị trường, các tổ chức tài chính còn bị nghiêm cấm cho vay vốn vào mục đích đầu cơ một số mặt hàng như than, thép và kim loại, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ủy ban trên còn cấm các người đi vay đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và thị trường tương lai của những hàng hóa nhất định vì điều đó có thể vi phạm quy định của chính phủ Trung Quốc.
Kể từ tháng trước, cuộc khủng hoảng năng lượng ở đất nước tỷ dân ngày càng trở nên nghiêm trọng, dẫn đến việc chính quyền hơn 20 tỉnh thành phải phân bổ lại mức sử dụng điện năng.
Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - ba trung tâm công nghiệp chiếm hơn 30% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Các ngành chịu thiệt hại trước tiên là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng với đất nước tỷ dân.
Từ nhà máy luyện nhôm, luyện thép đến cơ sở dệt may, sản xuất xi măng,…, toàn bộ đều phải giảm quy mô hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn. Các nhà cung ứng của Apple và Tesla đã tạm dừng sản xuất ở một số địa điểm.
Một số công ty nhỏ hơn đã bắt đầu thông báo với sàn giao dịch chứng khoán về yêu cầu hạn chế tiêu thụ điện hoặc tạm ngừng hoạt động do Bắc Kinh đưa ra. Nguồn cung của nhiều hàng hóa từ dệt may đến linh kiện điện tử đều có nguy cơ bị thiếu hụt.
Các nhà phân tích từ Goldman Sachs đến Nomura đều đã hạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Goldman Sachs ước tính có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Tính chung cả năm 2021, ngân hàng này dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 8,2% xuống còn 7,8%.
Theo Bloomberg, Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu điện một phần là do sản lượng than chững lại, một số công ty khai thác than phải vật lộn để đảm bảo nguồn tài chính sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm tỷ trọng của than trong cơ cấu năng lượng chung.
Ngoài ra, giá than tăng nóng cũng là một nguyên nhân khác. Các quan chức chính phủ Trung Quốc đang rất quan ngại về tình hình lạm phát cũng như tính ổn định của thị trường trong nước.
Trong tuyên bố vừa qua, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc còn cảnh báo người dân không nên đầu tư vào các mặt hàng tiêu dùng cao cấp như rượu Mao Đài và trà Phổ Nhĩ. Song, ủy ban không giải thích chi tiết điểm này.